Không thể kiểm soát đường đi của sữa nhập khẩu

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang xác nhận: "Thị trường VN không chỉ có 11 loại sữa Trung Quốc. Với phương thức quản lý như hiện nay, Cục ATVSTP hầu như không quản lý được số lượng, chất lượng của thực phẩm nhập khẩu".

Như vậy trên thị trường Việt Nam hiện  không chỉ có có 11 loại sữa nhập từ Trung Quốc. Ngoài ra, kể cả những loại sữa có dãn nhãn New Zealand thì cũng có thể có thể xuất xứ cuối cùng là từ Trung Quốc?

 

Chắc chắn trên thị trường Việt Nam không chỉ có 11 loại sữa nhập từ Trung Quốc. Con số thực là bao nhiêu thì chưa thể thống kê được. Bởi con đường đi của sữa và các sản phẩm từ sữa rất khó kiểm soát. Ví dụ, nguyên liệu sữa được xuất khẩu từ Trung Quốc sang New Zealand, được chế biến xử lý rồi xuất khẩu sang Việt Nam. Chính vì vậy, dù kiểm tra mà có thấy dán nhãn mác sản xuất ở New Zealand cũng chưa chắc là không có vấn đề gì.

 

Do sự phức tạp, tinh vi của con đường nhập khẩu sữa bột hiện nay, Liên Bộ đã yêu cầu tạm dừng phân phối lưu thông các loại sữa, đặc biệt là sữa có xuất xứ từ Trung Quốc để lấy mẫu, kiểm nghiệm. Nếu không có vấn đề gì sẽ cho phép lưu thông trở lại.

 

Quyết định của Liên Bộ đã cho thấy hiện thị trường sữa ở Việt Nam rất phức tạp. Một vấn đề lớn cũng đã lộ ra là vai trò quản lý, kiểm tra của Cục ATVSTP rất mờ nhạt và không có hiệu quả?

 

Nói chung, thị trường các thực phẩm nguy cơ cao (trong đó có sữa) rất phức tạp. Trong khi đó, cơ chế tiền kiểm và hậu kiểm đối với các mặt hàng này cũng còn nhiều bất cập. Từ trước tới nay, với phương thức quản lý chỉ bằng cách tiếp nhận hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm, Cục ATVSTP hầu như không quản lý được số lượng, chất lượng của thực phẩm nhập khẩu.

 

Qua sự kiện này, Bộ đã yêu cầu ngay trong tháng 10 tới, Cục ATVSTP phải trình được phương án thay đổi hoàn toàn phương pháp quản lý. Thay vì chỉ ngồi chờ các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh đến nộp hồ sơ, ký giấy phép cho lưu hành, Cục phải có khả năng thẩm định những tiêu chuẩn mà doanh nghiệp công bố.

 

Ví dụ như: doanh nghiệp kinh doanh sữa phải trình được phiếu kiểm nghiệm không có Melamine; trong trường hợp nghi ngờ một sản phẩm nào đó, Cục phải có ý kiến yêu cầu doanh nghiệp đưa đi xét nghiệm các tiêu chí công bố tại hệ thống kiểm nghiệm được công nhận của Bộ Y tế, Bộ Công thương, Cục Bảo vệ thực vật...

 

Bên cạnh đó, các loại thực phẩm phải có những nhóm thẩm định về nguyên liệu, cách thức bào chế, độc tính... với mức độ nghiêm ngặt tương đương với dược phẩm. Các nguyên liệu thành phẩm, bán thành phẩm sản xuất sữa phải trình được phiếu kiểm nghiệm. Trong trường hợp chất lượng sản phẩm trên thực tế và hồ sơ công bố không thống nhất, chất lượng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ thì doanh nghiệp có thể bị rút phép lưu hành sản phẩm, rút giấy phép kinh doanh từ 6 - 12 tháng.

 

Trước mắt phải giải quyết thế nào đối với những sản phẩm sữa Trung Quốc đã có mặt tại Việt Nam, thưa ông?

 

Bộ Y tế vừa thống nhất với đề nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia về an toàn thực phẩm. Cụ thể toàn bộ sản phẩm sữa của 22 công ty có liên quan đến đến việc chứa hóa chất độc hại melamine (đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc công bố) mà đã nhập vào Việt Nam phải tạm dừng sử dụng, lưu thông, chờ kiểm tra lại. Nếu phát hiện thấy chất melamine, sản phẩm sẽ bị thu hồi và tiêu hủy toàn bộ.

 

Nguyên liệu thành phẩm, bán thành phẩm liên quan đến sữa nếu nhập vào Việt nam phải xuất trình được giấy chứng nhận không có chất melamine mới được phân phối và lưu thông.

 

Trong trường hợp cần thiết Việt Nam sẽ làm lại các xét nghiệm để kiểm tra các sản phẩm đã được nước sở tại công bố là an toàn để xác định lại xem có chất melamine hay không.

 

Cảm ơn ông!

 

P. Thanh (thực hiện)

Dòng sự kiện: Sữa nhiễm hoá chất