Không khí nhiễm phóng xạ, có nên sử dụng nước mưa, nước biển?

Đã phát hiện phóng xạ I-131 trong không khí tại Hà Nội, Đà Lạt, Lạng Sơn, nước biển tại Nhật cũng nhiễm lượng phóng xạ lớn... TS Nguyễn Quang Hào, GĐ TT Hỗ trợ kỹ thuật và ứng phó sự cố (Cục KS&AT bức xạ hạt nhân) sẽ chia sẻ về cách ứng phó trong tình huống này.

  

Không khí nhiễm phóng xạ, có nên sử dụng nước mưa, nước biển?  - 1

Kiểm tra nồng độ phóng xạ tại làng Namie cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima 30km, ngày 26/3/2011



Hiện tổ công tác xử lý thông tin sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I (bộ Khoa học và công nghệ) đã phát hiện thêm phóng xạ I-131 trong không khí tại một số khu vực ở Việt Nam (Đà Lạt, Lạng Sơn). Xin TS cho biết nếu trong không khí có nhiễm phóng xạ thì người dân có nên tiếp tục sử dụng nước mưa hay không?

 

Đúng là hiện nay đã phát hiện thấy vết của đồng vị Iod 131 (I-131) tại Việt Nam, tuy nhiên theo tôi được biết kết quả đo nồng độ chất này trong không khí được trạm quan trắc tại viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân và viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đều nhỏ hơn hàng trăm ngàn lần so với giá trị giới hạn quy định và không ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân, do đó người dân có thể yên tâm.

 

Về việc sử dụng nước mưa, đối với các vùng gần sự cố sẽ phải quan tâm tới vấn đề này. Tuy nhiên, ở ta chưa cần phải quan tâm bởi nồng độ phóng xạ trong không khí còn quá thấp. Các trạm quan trắc sẽ tiếp tục theo dõi và thông báo khi nồng độ khí có xu hướng tăng nguy hiểm. Còn tính tới tình huống xấu nhất thì lúc ấy ta phải kiểm tra nồng độ phóng xạ trong nước mưa. Nếu nồng độ cao thì ta không nên sử dụng nước mưa nữa.

 

Như vậy, nếu nước mưa nhiễm phóng xạ rơi vào rau củ quả, hoa màu thì chúng ta sẽ phải làm gì? Nên làm thế nào để bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm xạ?

 

Trường hợp nước mưa nhiễm phóng xạ rơi vào rau củ quả thì chắc chắn không nên sử dụng mà cần có kiểm tra để xác định đúng nồng độ phóng xạ trong đó. Hiện có hai hình thức nhiễm xạ, đó là nhiễm xạ ngoài (bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bụi phóng xạ) và nhiễm xạ trong (hít không khí nhiễm phóng xạ hoặc ăn phải thực phẩm nhiễm phóng xạ).

 

Để bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm xạ ngoài, phải tránh xa nguồn nhiễm xạ, trường hợp chịu ảnh hưởng thì cố gắng để thời gian bị ảnh hưởng bởi phóng xạ càng ngắn càng tốt. Cần che chắn người bằng cách trú ẩn vào các tòa nhà bằng bêtông, đồng thời đeo khẩu trang, găng tay, không ăn uống các chất nhiễm phóng xạ.

 

Khi có sự cố hạt nhận và được yêu cầu bảo vệ bằng cách che chắn, người dân nên bình tĩnh vào các tòa nhà gần nhất. Cần đóng các cửa sổ, cửa ra vào, rửa tay và mặt kỹ lưỡng nếu từng ra ngoài, tắt quạt thông gió, quạt sưởi và đặt thức ăn, đồ uống vào hộp hoặc gói lại. Đặc biệt nên cởi bỏ quần áo nếu đã mặc vì có thể nó đã nhiễm xạ, quần áo đó cần được buộc chặt vào túi và mang đi tiêu hủy.

 

Nhật đã phát hiện phóng xạ trong nước biển với nồng độ cao, nhiều độc giả quan tâm tới cơ chế lan truyền của phóng xạ, TS có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
 

Phóng xạ ảnh hưởng tới con người nhanh nhất qua cơ chế lan truyền trong không khí. Các cơ chế lan truyền khác như nước hoặc thực phẩm… là rất chậm. Trên thực tế chúng ta cách Nhật Bản là khá xa, từ Nhật Bản tới chúng ta thì nồng độ phóng xạ bị pha loãng rất nhiều, do đó chúng ta không phải quan ngại lắm. Giống như sự cố Chernobyl ở Ukraine, đến Việt Nam chúng ta chỉ thấy vết, không ảnh hưởng nhiều.

 

Về nước biển, nhìn vào số liệu của Nhật thì những nơi ở xa khu Fukushima thì nồng độ phóng xạ có tăng nhưng chưa đáng kể lắm. Cho nên chúng ta chưa phải quan ngại vấn đề này đối với nước biển Việt Nam. Trong tương lai các quan trắc của Việt Nam sẽ tiếp tục hướng ra môi trường biển, nhưng môi trường lan truyền nhanh nhất là không khí chúng ta còn chưa phát hiện ra thì những môi trường kia chắc chưa thể có.

 

Mức độ lây truyền là như thế nào khi tiếp xúc với người đã bị nhiễm phóng xạ?

 

Bản chất vấn đề là vật lý chứ không như virus. Ví dụ tôi nhiễm phóng xạ thì tôi chưa thể trở thành ngay một nguồn phóng xạ. Tất nhiên nếu tôi ngồi cạnh ai đó thì người đó cũng sẽ bị ảnh hưởng một phần chiếu xạ do người tôi phát ra, nhưng mức nhiễm xạ để trở thành một nguồn phóng xạ nó phải thực sự lớn. Cái này chỉ xảy ra với trường hợp bệnh nhân sử dụng đồng vị phóng xạ trong xạ trị, họ uống thuốc với lượng rất cao thì bức xạ ở họ mới có ảnh hưởng tới người xung quanh.

 

Còn bình thường giả sử chúng ta có người bị nhiễm xạ ở Nhật về thì độ nhiễm xạ ấy cũng còn xa so với coi là nguồn bức xạ nguy hiểm cho người xung quanh. Thực tế, những người từ Nhật về qua trung tâm kiểm tra thì chưa phát hiện ra ai bị nhiễm phóng xạ cả.
 

Được biết, các thiết bị đo nồng độ phóng xạ tại Việt Nam cho những kết quả khá chi tiết. Vậy hiện nay ở Việt Nam có bao nhiêu đơn vị có đủ năng lực đưa ra những kết quả này?

 

Ở Việt Nam có viện Nghiên cứu an toàn bức xạ, viện Năng lượng nguyên tử hay bộ Tư lệnh hoá học (bộ Quốc phòng), viện Khoa học hạt nhân, trung tâm hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ và ứng phó sự cố của cục Kiểm soát và an toàn bức xạ, viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và Trung tâm hạt nhân Thành phố Hồ Chí Minh… Đây đều là các đơn vị có đầy đủ các thiết bị đủ năng lực đánh giá các nhiễm bẩn phóng xạ này.

 

Theo Thanh Tuyền

Sài Gòn tiếp thị