1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Không đủ thuốc ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS

(Dân trí) - Hiện nay, vấn đề cung ứng thuốc ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS đang gặp không ít khó khăn. Mới chỉ có khoảng 7.000/20.000 bệnh nhân được tiếp cận với thuốc. Xung quanh vấn đề này phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Dương Quốc Trọng, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế).

Xin ông cho biết, người nhiễm HIV/AIDS ở giai đoạn nào mới có đủ tiêu chuẩn trị bằng ARV?

 

ARV không phải là thuốc chữa khỏi bệnh mà chỉ có tác dụng kìm hãm sự phát triển của virus HIV trong cơ thể nhằm kéo dài sự sống. Tuy nhiên, loại thuốc có rất nhiều độc tính. Nếu sử dụng một cách bừa bãi thì có thể tử vong nhanh hơn cả khi không dùng thuốc.

 

Khi điều trị bằng thuốc ARV, người bệnh phải tuân thủ quá trình uống thuốc cho đến khi chết. Do vậy, khi sử dụng ARV, người nhiễm HIV/AIDS cần đáp ứng trên 95% quy định của phác đồ thì việc điều trị mới có hiệu quả. Chính vì vậy, trong chương trình điều trị trên toàn cầu, bệnh nhân HIV/AIDS ở mức độ cho phép mới được tiếp cận với thuốc ARV.

 

Thực trạng hệ thống phân phối ARV ở nước ta hiện nay ra sao, thưa ông?

 

Hệ thống cung ứng thuốc ARV ở nước ta mới bắt đầu nhập cuộc và hoàn toàn dựa vào hệ thống y tế sẵn có chứ chưa có hệ thống nào riêng biệt dành cho việc điều trị căn bệnh này. Hiện cũng chỉ có 40 điểm thuộc 20 tỉnh của dự án quỹ toàn cầu có thuốc ARV.

 

Chính vì vậy, một số vấn đề đã phát sinh như quá tải, bệnh nhân phải đi xa (rất nhiều cơ sở địa phương chưa chuẩn bị đủ về trang thiết bị, về con người để có thể cung ứng dịch vụ này).

 

Với thuốc ARV, chỉ những bác sĩ được tập huấn về điều trị mới biết cách sử dụng thuốc. Để tránh tình trạng, nơi thừa, nơi thiếu thuốc và đảm bảo cho việc cung ứng thuốc ARV đến được với những đối tượng có nhu cầu, chúng tôi phải có cơ chế yêu cầu báo cáo sớm để chuyển thuốc từ địa phương này sang địa phương khác.

 

Đã xảy ra tình trạng thuốc về tới nhiều địa phương những cũng đành để không vì bác sĩ ở tuyến tỉnh không dám sử dụng?

 

Đúng vậy, theo đề xuất, trung bình mỗi địa phương được phát từ 30 - 60 liều nhưng nhiều địa phương cũng loay hoay không biết xử lý như thế nào. Nhiều địa phương khi được cấp thuốc nhưng chưa dám điều trị vì thiếu bác sĩ được đào tạo cách sử dụng thuốc ARV.

 

Để giải quyết vấn đề này, mới đây, Cục phòng chống HIV/AIDS đã tổ chức tập huấn cho các bệnh viện tuyến tỉnh, phòng khám ngoại trú thuộc bệnh viện tỉnh và một số bệnh viện tuyến huyện do dự án quỹ toàn cầu hỗ trợ.

 

Ngoài ra, trong chương trình PORFAR của Mỹ tập trung phân bổ thuốc ARV cho 6 tỉnh trọng điểm nhưng cũng chỉ tập trung cho tuyến tỉnh và bắt đầu mở rộng ra một số huyện vào năm 2007 là Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và An Giang.

 

Xin ông cho biết, mức kinh phí mà Nhà nước cấp cho công tác phòng chống HIV/AIDS có đáp ứng đủ nhu cầu mua thuốc ARV điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS?

 

Hiện nay kinh phí của Nhà nước cấp cho công tác phòng chống HIV/AIDS mới đáp ứng khoảng 25% nhu cầu được đặt ra. Ngoài ra, tổng kinh phí các nguồn lực của hợp tác quốc tế đáp ứng khoảng 50-60% nhu cầu về công tác phòng chống HIV/AIDS.

 

Phần lớn bệnh nhân là người nghèo và một số rất đông những người bệnh đang nằm ở Trung tâm 05, 06, các cơ sở Giáo dưỡng… Hiện nay, Nhà nước chỉ cấp kinh phí để mua thuốc, cấp thuốc cho những người không có khả năng tiếp cận với việc điều trị. Còn các chương trình hợp tác quốc tế cũng chỉ đến được những tỉnh nằm trong dự án.

 

Do vậy, chúng tôi rất động viên những gia đình, những người có khả  năng mua thuốc thì phải mua thuốc tự điều trị cho mình và con em mình. Như vậy, mọi cấp, mọi ngành đều chung lo cho công việc này.

 

Ở các nước trên thế giới, Nhà nước cũng hỗ trợ  được một phần nào đó. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia có cách huy động khác nhau. Ở những quốc gia giàu thì hầu hết cá nhân tự chi trả thông qua con đường bảo hiểm y tế (BHYT).

 

Theo ông, nếu Việt Nam áp dụng việc chi trả phí điều trị cho bệnh nhân AIDS qua con đường BHYT thì sẽ có bao nhiêu bệnh nhân AIDS đuợc hưởng quyền lợi do BHYT chi trả?

 

Trong Luật phòng chống HIV/AIDS (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1//2007) BHYT sẽ chi trả một phần cho những người nhiễm HIV. Hiện tại chúng tôi chưa có con số thống kê cụ thể có bao nhiêu bệnh nhân AIDS được hưởng quyền lợi do BHYT chi trả bởi  BHYT của chúng ta không phải là bảo hiểm y tế toàn dân.

 

Bộ Y tế cũng sẽ quy định mặt hàng thuốc điều trị nào mới được BHYT chi trả. Ai cũng biết rằng, nếu BHYT chi cho bệnh nhân AIDS thì bao nhiêu cũng không thể đủ được.

 

Đến bao giờ chúng ta mới tự sản xuất được thuốc ARV thưa ông?

 

Hiện nước ta đã có một nhà máy thuốc ở TP Hồ Chí Minh (liên doanh) sản xuất thuốc ARV. Dĩ nhiên để có được sự cho phép của các hàng Dược phẩm lớn và vượt qua những rào cản kể trên không phải việc dễ.

 

Cho đến thời điểm này, số thuốc sản xuất ở Việt Nam hiện chưa đáp ứng được bao nhiêu so với nhu cầu. Nếu như không nhanh chóng có được giấy phép, việc sản xuất thuốc ARV sẽ gặp khó khăn. Trong khi đó, chiến lược tổng thể phòng chống quốc gia đến năm 2010, chúng ta sẽ phấn đấu đảm bảo được 70% bệnh nhân tiếp cận với thuốc ARV

 

Xin cảm ơn ông!

 

Phạm Thanh (thực hiện)