TPHCM:

Không dễ xử lý bún có độc!

(Dân trí) - Dù 100% mẫu bún được ngành y tế kiểm nghiệm đều chứa độc chất nhưng việc truy nguyên nguồn gốc để xử lý lại không thực hiện được vì mặt hàng này nằm trong danh mục những loại thực phẩm không thuộc yêu cầu phải công bố chất lượng.

 

Người tiêu dùng đang sống giữa ma trận của chất độc trong thực phẩm
Người tiêu dùng đang sống giữa ma trận của chất độc trong thực phẩm

Theo công bố mới đây của Sở Y tế TPHCM, đã phát hiện gần 20% trong số hơn 5.000 mẫu thực phẩm được lấy trong 6 tháng đầu năm chứa độc chất gây hại cho sức khỏe con người. Trong đó, đáng chú ý là 7/7 mẫu bún chứa chất tẩy trắng công nghiệp Tinopal có khả năng gây suy gan, suy thận dẫn đến ung thư cho người sử dụng; 3/5 mẫu hạt trân châu có chất tẩy trắng (Na2SO3); một trong hai mẫu trà túi lọc bị phát hiện có nấm men, nấm mốc vượt ngưỡng cho phép. Ngay cả dừa tươi, cả 4 mẫu đều có chất tẩy trắng. Riêng mặt hàng nước giải khát đường phố thì đa phần chứa vi khuẩn Coliforms và Ecoli gây bệnh đường ruột cho con người.

Dù 100% mẫu bún được ngành y tế kiểm nghiệm đều chứa độc chất nhưng việc truy nguyên nguồn gốc để xử lý lại không thực hiện được vì mặt hàng này nằm trong danh mục những loại thực phẩm không thuộc yêu cầu phải công bố chất lượng.

Quản lý lỏng lẻo tiếp tay cho hành vi đầu độc dân
Quản lý lỏng lẻo tiếp tay cho hành vi đầu độc dân

Sau vụ việc bún chứa chất độc, Ban chỉ đạo Vệ sinh An toàn Thực phẩm thành phố mới “rục rịch” vào cuộc. Dự kiến đầu tuần tới ban này sẽ chủ trì để các cơ sở sản xuất bún, bánh canh, bánh hỏi,… ký cam kết với Sở công thương nội dung: “Không sử dụng hóa chất độc hại ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế.” Kế hoạch thanh tra 100% cơ sở sản xuất các mặt hàng trên cũng được vạch ra.
 
Để giải quyết vấn đề quản lý, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm đề nghị Sở Công thương tăng cường kiểm tra tận gốc tại các đơn vị sản xuất, không dừng lại ở các đơn vị phân phối. Hóa chất trong thực phẩm rất khó nhận biết bằng mắt thường, chỉ có những đơn vị sản xuất mới biết rõ họ đã bỏ hóa chất gì vào thực phẩm, không ít trường hợp đơn vị kinh doanh, phân phối cũng bị đơn vị sản xuất “đánh lừa” mà không thể nào nhận biết được.
 
Được biết trên địa bàn TPHCM có khoảng 400 cơ sở sản xuất các loại sản phẩm tươi chế biến từ gạo dùng để ăn liền như: bún, bánh canh, bánh phở, bánh hỏi…

Vân Sơn