1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

"Không còn vaccine gì" ở nhiều tỉnh, người dân phải tự bỏ tiền tiêm dịch vụ

Hoàng Lê

(Dân trí) - Không còn khả năng cung ứng vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, ngành y tế địa phương phải để người dân lựa chọn giữa việc chờ đợi và bỏ tiền ra ngoài tiêm dịch vụ.

Mới đây, Hà Nội và TPHCM đã thông tin về việc thiếu hàng loạt vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Cụ thể, Hà Nội thiếu 5/10 loại, trong khi TPHCM đã không còn vaccine DPT (ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván), IPV (bại liệt), VGB (vaccine 5 trong 1), và SII (DPT-VGB-Hib), nhiều loại khác sắp cạn kiệt.

Không còn vaccine gì ở nhiều tỉnh, người dân phải tự bỏ tiền tiêm dịch vụ - 1

Nhân viên y tế bệnh viện công lập ở TPHCM tiến hành tiêm vaccine cho người dân (Ảnh: Hoàng Lê).

Không riêng 2 thành phố trực thuộc Trung ương nêu trên, tình trạng thiếu vaccine trầm trọng ở hệ thống y tế công lập cũng đang xảy ra ở hàng loạt địa phương khắp cả nước.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, tình trạng thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng của tỉnh này đang rất nghiêm trọng.

Theo số liệu báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Nai, trong tháng 12 tới, 11 huyện và thành phố trực thuộc tỉnh dự trù cần tổng cộng hơn 45.000 liều của 10 loại vaccine.

Trong đó, vaccine DPT-VGB-Hib cần nhiều nhất với 8.375 liều, kế đến là vaccine bOPV (ngừa bại liệt), sởi (5.450 liều), viêm gan B (5.060 liều)…

Không còn vaccine gì ở nhiều tỉnh, người dân phải tự bỏ tiền tiêm dịch vụ - 2

Phụ huynh ở tỉnh Đồng Nai đưa con đến trạm y tế chích ngừa vaccine 5 trong 1 thời điểm tháng 9 (Ảnh: CDC Đồng Nai).

Thế nhưng, Viện Pasteur TPHCM đã thông báo với CDC Đồng Nai việc kho khu vực không còn bất cứ liều vaccine nào. Đồng thời, kho vaccine của địa phương cũng cạn kiệt, vì đã phân bổ toàn bộ trong tháng 11 (với duy nhất vaccine ngừa uốn ván).

"Không còn gì hết", lãnh đạo ngành y tế Đồng Nai lo lắng.

Tỉnh giáp ranh với Đồng Nai ở khu vực miền Đông Nam Bộ là Bình Dương cũng trong tình trạng nêu trên, khi gần như không còn loại vaccine nào trong chương trình để tiêm cho người dân.

Đại diện CDC Bình Dương chia sẻ với phóng viên, tỉnh này thậm chí đã cạn vaccine từ cách đây 1 tháng.

Để chữa cháy, ngành y tế dự phòng Bình Dương đã tìm cách phân phối, điều tiết vaccine từ khu vực này sang khu vực khác của tỉnh, nhưng không hiệu quả, vì chỗ nào cũng hết hoặc chỉ còn vài chục liều để tự "thủ thân".

Không còn vaccine gì ở nhiều tỉnh, người dân phải tự bỏ tiền tiêm dịch vụ - 3

Phụ huynh đưa con đi tiêm vaccine dịch vụ (Ảnh: Hoàng Lê).

"Theo văn bản của Bộ Y tế gửi từ tháng 10, khi nào có vaccine Bộ sẽ cung ứng tiếp, nhưng đến giờ vẫn chưa có. Chúng tôi cũng chỉ biết chờ.

Bây giờ người dân nào không biết hết vaccine mà đến sẽ được nhân viên y tế ghi số điện thoại, nói rõ tình hình, thông báo khi nào có vaccine sẽ gọi họ trở lại tiêm. Trong trường hợp người dân có điều kiện kinh tế, có nguồn lực và đã đến giai đoạn cần tiêm, có thể ra ngoài tiêm dịch vụ.

Khi có vaccine trở lại, chúng tôi vẫn gọi điện thoại cho họ đến, nếu đã tiêm rồi sẽ chuyển sang tiêm các loại khác", nguồn tin từ CDC Bình Dương nói. Nguồn tin này cũng khẳng định, 100% trẻ ở tỉnh không được tiêm đầy đủ vaccine thuộc chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2023.

Ngày 27/10, tại công văn phúc đáp kiến nghị của UBND TPHCM, Bộ Y tế cho biết trong thời gian qua đã tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc và đang tiến hành mua sắm vaccine.

Sau khi có kết quả mua sắm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ tiến hành phân bổ cho TPHCM và các địa phương trong thời gian sớm nhất.

Được biết, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 10/7/2023 và Quyết định số 931/QĐ-TTg ngày 5/8/2023, về việc bố trí ngân sách trung ương, bổ sung dự toán năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng,

Đến nay, Bộ Y tế đang tiến hành đàm phán giá đối với vaccine sản xuất trong nước, đấu thầu mua sắm vaccine nhập khẩu. Tuy nhiên theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các vaccine sản xuất trong nước dự kiến sớm nhất có thể cung ứng trở lại là cuối tháng 11, còn vaccine nhập khẩu phải chờ đến cuối tháng 12.