Không có vắc xin dịch vụ thì tiêm vắc xin tiêm chủng mở rộng!

(Dân trí) - Chiều 9/7, ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, nhấn mạnh tình trạng khan vắc xin trên chỉ diễn ra với vắc xin dịch vụ, còn với 11 vắc xin sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng đều được đảm bảo đủ số lượng.

Không có vắc xin dịch vụ thì tiêm vắc xin tiêm chủng mở rộng!

Những ngày qua tại các điểm tiêm chủng dịch vụ, người dân phải chờ 4 - 5 tiếng mới đến lượt tiêm chủng. Ảnh: H.Hải

Giải đáp thắc mắc của phóng viên báo chí về vấn đề quá tải các điểm tiêm chủng dịch vụ trong những ngày đầu tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Tất Đạt cho rằng với tiến độ nhập khẩu trên vắc xin về không thiếu, hết lại về, đảm bảo nhu cầu. 

"Nguồn cung không thiếu nhưng phải mất thời gian ít nhất 3 tháng từ khi sản xuất. Khi nhập về trong nước lại mất thời gian tái kiểm định trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. 

Trong thời gian vừa qua do nhu cầu người dân tăng đột biến, số lượng vắc xin các lô không đủ lớn, đẫn đến tình trạng khan hiếm vắc xin. 

Công tác tiêm chủng dịch vụ hiện giao cho Sở Y tế chịu trách nhiệm lên kế hoạch, như thế mới chủ động được tình hình. 

Các vắc xin về trong thời gian qua số lượng đặt hàng có thiếu cục bộ ở một số điểm như TPHCM có 126 điểm tiêm dịch vụ, các điểm tiêm đó phải có dự trù đặt hàng thì các nơi mới cung cấp”, ông Đạt nói.

Ông Đạt cũng nhấn mạnh tình trạng khan vắc xin trên chỉ diễn ra với vắc xin dịch vụ, còn với 11 vắc xin sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng đều được đảm bảo đủ số lượng.

Còn ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng nhu cầu tiêm các vắc xin này không chỉ tăng ở Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng có hiện tương tăng đột biến.

“Sau khi các trường hợp mắc sởi xảy ra, người dân có ý thức hơn đưa con em đi tiêm phòng. Nhu cầu tiêm vắc xin là tăng tổng thể tất cả các loại vắc xin. Không chỉ vắc xin dịch vụ mà thời gian qua, nhu cầu tiêm vắc xin Quinvaxem cũng tăng lên, sởi cũng tăng lên”, ông Phu nói.

Trước tình trạng nhiều trẻ đã vượt qua thời điểm tiêm vắc xin vài tháng, ông Phu khuyến cáo, việc tiêm vắc xin là cần thiết. Nếu loại vắc xin nào có có nhu cầu mà chưa có vắc xin trong TCMR, nên bỏ tiền tiêm bên ngoài. Nhưng không nên vì những lo lắng không có cơ sở dẫn đến tình trạng không có vắc xin dịch vụ cũng bỏ luôn không tiêm vắc xin trong TCMR.

“Tôi cho rằng TCMR là cơ bản nhất. Nhà nước đảm bảo cả số lượng, chất lượng tiêm chủng. Không thể nói vắc xin trong TCMR không đạt chất lượng. 28 năm qua, vắc xin trong TCMR đã bảo vệ triệu triệu trẻ em, đẩy lùi nhiều dịch bệnh nguy hiểm”, ông Phu nói.

Ông Phu cho biết hiện Bộ Y tế đang tiến tới xây dựng phần mềm quản lý để giám sát tình trạng tiêm chủng ở trẻ em. Đồng thời cũng khuyến cáo người dân nên cho con em đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch và dịch sởi vừa qua là một bài học đáng nhớ cho người dân về việc chủ quan trong công tác tiêm phòng.

 Cục Cục Quản lý Dược cũng có thông báo chính thức về lượng vắc xin dịp vụ sắp nhập khẩu vào Việt Nam, dựa trên thông báo kế hoạch nhập khẩu của một số vắc xin phục vụ nhu cầu tiêm chủng dịch vụ.

Với vắc xin PENTAXIM (5 trong 1) sớm nhất dự kiến  ngày 20/07/2014 Công ty TNHH tư vấn đầu tư và TM Hồng Thúy nhập khẩu 10.000 liều và tháng 09/2014 nhập khẩu 23.000 liều. Trước đó, ngày 23/6 công ty này đã nhập khẩu 12.000 liều.

Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm May ngày 23/6/2014 nhập khẩu 15.000 liều; dự kiến ngày 10/08/2014 nhập khẩu 12.000 liều

Với vắc xin INFANRIX HEXA (6 trong 1) Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn dự kiến ngày 15/08/2014 nhập khẩu 100.000 liều

Vắc xin Varicella– GCC inj (thủy đậu) dự kiến ngày 15/7 sẽ được Công ty TNHH MTV Vắc xin, sinh phẩm số 1 nhập khẩu 10.000 liều

Vắc xin Varivax (thủy đậu) dự kiến được CP Dược liệu TW 2 nhập khẩu 85.000 liều vào tháng 8 và tháng 09 nhập khẩu 50.000 liều.

Đối với vắc xin phòng viêm não Nhật bản: luôn đáp ứng nhu cầu tiêm chủng mở rộng và tiêm dịch vụ.

Hồng Hải