Không chủ quan khi trẻ mất tập trung sau mắc Covid-19

Minh Nhật

(Dân trí) - Mặc dù mức độ bệnh thường nhẹ, nhưng một số trẻ lại gặp phải các triệu chứng dai dẳng sau khi mắc Covid-19.

Một trong những triệu chứng phổ biến nhất được cha mẹ báo cáo là tình trạng trẻ mất tập trung.

Không chủ quan khi trẻ mất tập trung sau mắc Covid-19 - 1

Trẻ mất tập trung sau mắc Covid-19 hay còn gọi là hiện tượng sương mù não sau khi bị Covid-19. Người bệnh có thể gặp một hoặc một số triệu chứng liên quan đến suy nghĩ và trí nhớ. Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng khi trẻ mất tập trung có thể từ nhẹ đến nặng khiến trẻ gặp khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, bao gồm cả việc học tập, vui chơi cùng bạn bè trang lứa.

Một số thăm khám trên những đứa trẻ mất tập trung sau mắc Covid-19 cho thấy trẻ không thể tập trung, khả năng tập trung kém hoặc không có suy nghĩ rõ ràng. Trong khi giao tiếp, trẻ có thể khó chú ý, khó ghi nhớ mọi thứ mặc dù đã lặp đi lặp lại nhiều lần. Một số khác cho thấy bản thân bị kiệt quệ về mặt tinh thần, trẻ ngủ nhiều, ủ rũ hay rối loạn thói quen ăn uống. 

Tuy nhiên, chỉ nghi ngờ khả năng trẻ mất tập trung sau mắc Covid-19 khi loại trừ các bệnh não, là bất kỳ tình trạng tổn thương cấu trúc thực thể hay chức năng sinh lý nào của não bộ.

Vì sao trẻ mất tập trung sau mắc Covid-19?

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu thần kinh và tâm lý học nhi khoa vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra tình trạng trẻ mất tập trung sau mắc Covid-19. Một số quan điểm khác lại cho rằng đây chỉ là một trong các triệu chứng Covid-19 dai dẳng trên các hệ cơ quan khác.

Trong khi đó, các nghiên cứu về não ban đầu đã từng bước tiết lộ những tác động thần kinh lâu dài của hậu Covid-19. Trẻ mất tập trung được thăm khám ghi nhận hiện tượng "sương mù não" thường thấy ở những trẻ bị bệnh nặng cần thở máy trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU). Nguyên nhân này đã được giải thích rằng những trẻ bị bệnh nặng do Covid-19 có thể đã bị tổn thương một phần nhỏ ở não vì thiếu oxy và phản ứng viêm nghiêm trọng trong khi đang sử dụng máy thở. Tuy nhiên, cũng có thể có ở số ít trẻ chỉ bị bệnh nhẹ.

Một số giả thiết đã được đặt ra là virus có thể tấn công trực tiếp vào não, khiến cho trẻ mất tập trung. Dù đã đào thải ra khỏi cơ thể, tổn thương của virus có thể khiến não suy giảm khả năng nhận thức kéo dài. Ngược lại, nguồn gốc tâm lý cũng có thể góp phần khiến trẻ mất tập trung sau mắc covid. Theo đó, khi cha mẹ càng lo lắng về vấn đề "trẻ mất tập trung phải làm sao" và nỗ lực tìm kiếm giải pháp, tình trạng của trẻ sẽ càng trở nên nặng nề. Do đó, trước các trường hợp này, trẻ cần phải được thăm khám cẩn thận, thậm chí cha mẹ của trẻ cũng cần được khảo sát riêng, để xác định hay loại trừ khả năng liệu các động lực tâm lý có đang góp phần làm trầm trọng thêm các vấn đề về nhận thức ở trẻ hay không?

Trẻ mất tập trung phải làm sao?

Nếu tự nhận thấy trẻ đang gặp phải các triệu chứng như: khó nhớ tên mọi người hoặc hoàn thành công việc sau khi khỏi Covid-19 thì việc cần làm đầu tiên của cha mẹ lúc này là luôn giữ thái độ bình tĩnh và kiên nhẫn để bắt đầu những hành động có thể cải thiện chức năng nhận thức con của mình. 

Trong thực hành hiện tại, vẫn chưa có sự thống nhất về cách điều trị trẻ mất tập trung sau mắc Covid-19. Hầu hết những phương pháp điều trị hiện nay tương tự như cách để giúp những bệnh nhân bị các tình trạng như trẻ bị chấn thương não hoặc đột quỵ. Cụ thể là các bài tập thức ngủ đúng chu kỳ, tập thể dục và sử dụng các ứng dụng hoặc trò chơi rèn luyện trí não có thể giúp cải thiện các triệu chứng của trẻ. Trong đó, khi trẻ mất tập trung hay gặp khó khăn khi nhớ tên mọi người hoặc cách học làm một số nhiệm vụ cụ thể có thể hồi phục khi tham gia các trò chơi giúp đào tạo theo từng bước từ cơ bản đến nâng cao.

Dưới đây là một số cách thức đã được nghiên cứu hỗ trợ để đối phó với vấn đề trẻ mất tập trung sau mắc Covid-19:

- Tập thể dục nhịp điệu thường xuyên.

- Thử kích thích nhận thức như câu đố, trò chơi, ứng dụng rèn luyện trí não hoặc học một ngôn ngữ mới.

- Đảm bảo ngủ đủ giấc.

- Cho trẻ ăn một chế độ ăn nhiều chất béo không bão hòa đơn, protein thực vật, ngũ cốc nguyên hạt và cá.

- Giữ kết nối với các thành viên khác trong gia đình và cộng đồng, xã hội.

Tóm lại, dù chưa biết rõ cơ chế tổn thương lâu dài, trẻ mất tập trung sau mắc Covid-19 là một vấn đề phức tạp cần được nhìn nhận. Đồng thời, vấn đề này đòi hỏi cần chung tay giải quyết không chỉ từ cha mẹ hay các thành viên trong gia đình mà còn từ nhà trường và xã hội. Các bài tập phục hồi chức năng nhận thức đang từng bước ghi nhận kết quả khả quan ở các trẻ mất tập trung. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là các biện pháp phòng ngừa cho trẻ khỏi nhiễm bệnh, qua đó hạn chế tỷ lệ bệnh nặng cũng như di chứng về sau.

Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Hải

Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng