Không chấp nhận kết quả xét nghiệm: Người bệnh lãnh đủ

Để điều trị bệnh, phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bằng hình ảnh sẽ giúp đưa ra những kết quả chuẩn xác. Thế nhưng, hiện nay, kết quả giữa bệnh viện này và bệnh viện kia không chấp nhận lẫn nhau, cuối cùng người bệnh “lãnh đủ”! Vì sao?

Thầy - bóng đổ nhau

 

Cả tuần, lưng tôi bị cứng đơ, đau dữ dội, tôi đến Bệnh viện (BV) H.M chụp X-Quang, khi ra phim, bác sĩ kết luận: Nhú gai thoái hóa các đốt sống ngực. Về nhà, tôi nghe ông anh bảo nên đến BV C.T.C.H TPHCM chuyên về xương, cột sống điều trị cho “đúng bài”. Để an tâm, tôi cầm nguyên 2 tấm phim X-Quang của BV H.M chạy qua BV C.T.C.H TPHCM để khám lại. Bác sĩ ở đây mới vừa xem phim xong, nói rằng: “Anh phải chụp lại, phim này kém chất lượng, đọc không được”. Vị bác sĩ này bảo người trợ lý ghi cho tôi phiếu đi chụp lại phim. Khi cầm giấy chỉ định màu vàng, tôi đọc thì không phải phiếu chụp phim ở BV C.T.C.H TPHCM, mà lại là phiếu chỉ định của Trung tâm Y khoa Medic! “Anh qua Medic, ở đây không có chụp phim kỹ thuật cao”, vị bác sĩ nói thêm.

 

Trường hợp của tôi không phải cá biệt. Mới đây, anh Khải lặn lội từ Phú Yên vào nội soi đại tràng tại Trung tâm Y khoa V.U. Kết quả cho thấy anh bị một khối u nhỏ (u lành) nhưng vì ở đây chỉ chẩn đoán và khám chứ không điều trị nội trú, nên anh phải chuyển qua BV B.D để thực hiện cắt nội soi. Khi anh Khải đưa kết quả của Trung tâm Y khoa V.U cho bác sĩ ở BV B.D, thì vị bác sĩ này viết phiếu cho đi nội soi lại.

 

Còn anh bạn của người viết bài này mới vừa vào bệnh viện nọ… làm xét nghiệm máu xem có bị nhiễm viêm gan siêu vi B hay không. Khi nhận được kết quả âm tính, anh mừng “húm”, vì chưa bị nhiễm. Anh yêu cầu chích ngừa luôn thì bác sĩ của bệnh viện bảo nơi đây không có chích ngừa, hãy qua Viện P. Sáng hôm sau anh đem kết quả xét nghiệm máu ngày hôm trước cho Viện P., bác sĩ ở đây yêu cầu xét nghiệm máu lại mới chích!

 

Trên đây chỉ là vài trong hàng ngàn trường hợp mà bản thân chúng tôi và nhiều bệnh nhân khác đã gặp. Chưa nói, hầu như tất cả các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh của tuyến dưới (cho dù đó là BV đa khoa cấp tỉnh) khi chuyển lên tuyến trên cũng thường bị từ chối, dù thực tế bệnh nhân không cần làm xét nghiệm hay chẩn đoán lại.

 

Thạc sĩ, BS Phan Anh Tuấn (BV Hoàn Mỹ), cho biết thêm, nhiều nơi thấy kết quả X-Quang, CT-Scaner, nội soi, MRI (cộng hưởng từ hạt nhân)… rõ ràng nhưng vẫn bắt bệnh nhân làm lại. Đã có trường hợp bệnh nhân lên thành phố chụp CT 64 lát, về Cần Thơ chụp lại 1 lát!

 

Theo phiếu thu tiền mà tôi phải đóng cho lần chụp X-Quang tại BV H.M là 105.000đ, nếu qua Medic chụp lần nữa thì chắc chắn số tiền sẽ không thua ở H.M. Trường hợp của tôi chỉ cách nhau 3 ngày mà phải chịu tốn tiền 2 lần chụp X-Quang. Điều đáng nói là chỉ cách nhau mấy ngày mà phải chụp đến 3 lần X-Quang.

 

Còn trường hợp của anh Khải lặn lội từ quê vào, mướn phòng ở trọ để chữa bệnh, anh tâm sự: “Ở quê làm gì có nhiều tiền, bây giờ phải tốn thêm một lần nữa. Vả lại, tôi sợ nhất là mỗi lần nội soi phải nhịn ăn từ chiều ngày hôm trước, rồi phải uống thuốc xổ cho thật sạch đường ruột, vì nội soi từ hậu môn lên, nên rất mệt, rất mất sức, tôi lại ốm yếu”.

 

Không tin nhau hay “tận thu”?

 

Một bác sĩ cho rằng, đối với những trường hợp “cấp” thì cần chẩn đoán hoặc làm xét nghiệm lại cho chính xác để có hướng điều trị đúng. Còn đối với các trường hợp như chụp X-Quang hay xét nghiệm để chích ngừa, nếu khoảng cách thời gian giữa lần khám trước và sau cách nhau trong vòng vài ngày hoặc một tuần là chấp nhận được, tránh đau đớn thể xác, tiền bạc, thời gian của bệnh nhân.

 

Vì sao các BV thường không công nhận kết quả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh của nhau? Giám đốc một bệnh viện (xin không nêu tên) lý giải: “Giữa các bệnh viện không “tin” nhau là vì tay nghề”. Vị giám đốc này cho rằng, cùng một hình thức chẩn đoán nhưng tùy trình độ của kỹ thuật viên, bác sĩ sẽ cho ra những hình ảnh “đẹp”, kết quả xét nghiệm chuẩn xác. Chưa nói đến nhiều yếu tố bổ trợ khác liên quan đến kết quả như hóa chất, kỹ thuật bảo trì máy móc,… nên việc cho bệnh nhân xét nghiệm hay chẩn đoán hình ảnh lại là điều cần thiết.

 

Tuy nhiên, một bác sĩ ở Hội Chẩn đoán Hình ảnh TPHCM, cho rằng, bản thân các bệnh viện bây giờ đều tự trang bị máy móc, thiết bị riêng nên muốn “tận thu” người bệnh để mau thu hồi vốn. Còn việc không tin kết quả của nhau chỉ là cái “cớ”!

 

Đem vấn đề này trao đổi với Trưởng phòng Quản lý dịch vụ y tế - Sở Y tế TPHCM, bác sĩ Đặng Văn Quỳ, cho biết: Sở Y tế TPHCM chỉ làm công tác thanh, kiểm tra các dịch vụ y tế, còn việc đưa ra giải pháp để các bệnh viện chấp nhận kết quả của nhau thì chưa thể. Tuy nhiên, Sở Y tế ý thức rõ vấn đề này bởi nó lãng phí về thời gian, tiền bạc, sức khỏe của người bệnh, vì vậy Sở Y tế TPHCM sẽ xây dựng một khu “xét nghiệm chuẩn” để đối chiếu với các xét nghiệm quốc tế, và từ đây mới có cơ sở làm chuẩn chung cho các bệnh viện.

 

Theo Châu Phong

Sài Gòn giải phóng