1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Khốn khổ vì ngứa hậu môn dai dẳng

(Dân trí) - Vùng hậu môn luôn ngứa ngáy rất khó chịu, nhưng vì là chỗ “nhạy cảm” nên nhiều người, nhất là người lớn thường ngại đi khám thầy thuốc. Dù đã làm đủ mọi cách, từ rửa nước muối, xà phòng đến bôi đủ các loại thuốc, nhưng ngứa vẫn hoàn ngứa.

BS Nguyễn Thanh Nhàn, trưởng khoa Bệnh da phụ nữ và trẻ em, Viện da liễu T.Ư cho hay, có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng ngứa hậu môn. Chỉ có đi khám bệnh mới có thể xác định nguyên nhân và điều trị dứt điểm. Căn bệnh này tuy không có được thống kê cụ thể, nhưng tỷ lệ người bị là khá phổ biến.

Đáng nói là nhiều bệnh nhân ngại đi khám, nhưng vì ngứa ngáy không chịu được nên dùng tay gãi. Gãi là một phản ứng gặp ở rất nhiều người khi bị ngứa, thế nhưng, khi bị ngứa hậu môn, càng gãi sẽ càng ngứa, nhất là khi có nguyên nhân từ chàm hậu môn. Càng gãi thì càng ngứa dữ dội.

Chị Ng.T.A đang công tác tại Nha trang từng viết thư đến báo Dân trí hỏi về tình trạng ngứa hậu môn dai dẳng của chị. Chị tâm sự, do là chỗ nhạy cảm nên dù rất ngứa, chị cũng không đủ can đảm để đi khám bệnh. Chị đã làm đủ mọi cách, rửa, bôi thuốc, ngâm lá… nhưng tình trạng không được cải thiện mà ngày càng ngứa ngáy, khó chịu hơn. Căn bệnh oái ăm này biến chị từ một người nhiệt tình, xông xáo thành một người tự tin, khép kín. “Cứ hình dung đang cười nói vui vẻ với bạn bè, báo cáo thành tích công việc trong buổi tổng kết… mà bị “lên cơn” ngứa thì chắc chết. Uốn éo người đủ kiểu cũng không hết ngứa, chỉ có cách đưa tay vào mà… gãi. Vì thế, tự dưng, tôi trở nên thu mình giữa tập thể”, chị đau khổ tâm sự.

BS Nhàn khẳng định, chỉ đi khám bệnh mới có hi vọng tìm ra căn nguyên để chữa trị dứt điểm tình trạng ngứa nơi nhạy cảm này. Ngứa hậu môn không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng sống, mất tự tin nơi đông người vì sợ ngứa mà về lâu dài, ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ, khiến tình trạng bệnh nặng hơn.

Nhất là những bệnh nhân bị ngứa hậu môn do giun kim. Loài giun này cũng là nguyên nhân chủ yếu gây ngứa hậu môn ở nhiều trường hợp. Giun kim thường gây ngứa hậu môn vào ban đêm, khi nó chui ra lỗ hậu môn để đẻ. Trứng giun kim bám vào thành hậu môn gây ngứa ngáy, rất khó chịu khiến mọi người không thể chịu đựng, thường cho tay vào ngãi, vô tình gây tái nhiễm giun kim và các sinh vật gây bệnh khác nếu không vệ sinh tay sạch sẽ. Nếu tình trạng này kéo dài, người bệnh sẽ bị thiếu máu, suy dinh dưỡng do giun.

Rất nhiều người bị ngứa hậu môn cứ “quy tội” cho giun kim và uống thuốc tẩy giun, nhưng tình trạng bệnh không đỡ hơn. Nguyên nhân được xác định, dù do giun kim gây nên thì chỉ tẩy giun thôi không đủ, mà phải phòng tái nhiễm.

BS Nhàn cho biết thêm, ngứa hậu môn không chỉ do giun sán, mà có thể do nhiều nguyên nhân khác nữa, nhất là với những trường hợp ngứa mạn tính. Có những người bị ngứa hậu môn do bệnh chàm. Hay có những người phụ nữ bị viêm âm đạo do nấm, dịch chảy xuống vùng hậu môn cũng có thể gây ngứa, nhất là nếu sử dụng băng vệ sinh thường xuyên. Một số bệnh như nấm hậu môn, hay bệnh nấm đường ruột cũng có thể khiến hậu môn ngứa ngáy, khó chịu. Hay như những người bị táo bón thường xuyên, trĩ, nứt hậu môn cũng có thể gây ra triệu chứng ngứa hậu môn.

Vì thế, khi bị ngứa hậu môn, người bệnh không nên mặc cảm, e ngại mà nên đi khám ở cơ sở chuyên môn. Không nên tự ý điều trị, dùng đủ loại lá để rửa, đắp… có thể khiến bệnh trở nên nặng hơn, như nếu do nấm thì nấm lan rộng sang các vùng da khác, nhiễm giun thì dễ gây tái phát dù đã dùng thuốc tẩy giun. Không gãi vào vết ngứa ngứa vì nếu gãi nhiều khiến da chai, dày sừng, trợt ra gây nhiễm trùng, niken hoá gây khó chịu, ngứa ngáy.

Để hậu môn hết ngứa, quan trọng là tìm đúng nguyên nhân để điều trị. Bên cạnh đó, luôn giữ vệ sinh sạch sẽ vùng hậu môn bằng cách dùng nước sạch rửa hàng ngày sau mỗi lần đại tiện, đái dầm (ở trẻ). Sau khi rửa dùng khăn sạch nhẹ nhàng thấm khô. Mặc quần thoáng, rộng rãi và khô dáo. Các loại quần lót chứa sợi nylon, hay bị ẩm ướt, chật tuyệt đối không dùng. Vì khi nóng bức ra mồ hôi, không thấm được mồ hôi sẽ gây nóng bức, ngứa ngáy khó chịu, thậm chí gây hăm đỏ.

Với trẻ em, nên hạn chế dùng bỉm cho trẻ. Khi dùng, cần chú ý thay bỉm thường xuyên, không để quá ẩm ướt. Nhất là sau khi trẻ đi đại tiện cần phải thay bỉm ngay.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm