Khối bã quả hồng to như quả trứng trong dạ dày bé trai

(Dân trí) - Bé trai Hoàng Anh Long (5 tuổi, ở Tuyên Quang) đến viện trong tình trạng đau bụng, sờ thấy khối cứng trong ổ bụng. Cấc bác sĩ rất bất ngờ khi nội soi dạ dày, phát hiện khối bã thức ăn chắc, cứng như đá với đường kính 4 – 6cm trong dạ dày trẻ.

Trước đó, khi có biểu hiện đau bụng, sờ thấy khối cứng trong ổ bụng, ăn uống kém, bệnh nhi đã được gia đình đưa khám tại một số cơ sở y tế, được chẩn đóa lách to, ung thư hạch.

Tại thời điểm nhập Bệnh viện Nhi trung ương giữa tháng 10/2015, tiến hành nội soi dạ dày bác sĩ phát hiện nguyên nhân của tình trạng này là khối bã thức ăn cứng như đá, to như quả trứng “ngự” trong dạ dày của cháu bé.

Tuy có khối bã cứng, to trong dạ dày nhưng bé Long không bị tắc ruột, vì thế, các bác sĩ quyết định cho cháu Long uống Coca Cola để làm mềm bã thức ăn và tiếp tục theo dõi. Sau 10 ngày theo dõi, bệnh nhi được nội soi lần thứ hai, bác sĩ phát hiện khối bã thức ăn vỡ làm đôi.

Khói bã thức ăn trong dạ dày bé trai 5 tuổi. Ảnh: BS cung cấp
Khói bã thức ăn trong dạ dày bé trai 5 tuổi. Ảnh: BS cung cấp

“Sau khi tiến hành cắt nhỏ hoàn toàn các khối bã thức ăn các bác sĩ đã gắp ra được một phần qua nội soi. Số bã thức ăn được lấy ra này có nhiều mảnh xơ to và vỏ quả hồng đỏ”, TS.BS Phan Thị Hiền, Phụ trách khoa Nội soi cho biết.

Gia đình bệnh nhi cho biết, trước đó trong dịp trung thu cháu bé đã ăn rất nhiều quả hồng đỏ, một thời gian sau thì xuất hiện tình trạng này và đến thời điểm trước khi nhập viện, khối cứng trong ổ bụng của cháu đến người nhà cũng sờ thấy được.. Sau khi khối bã được cắt nhỏ, bệnh nhi đại tiện ra rất nhiều chất bã cứng.

TS Hiền lưu ý các bậc phụ huynh phải cẩn trọng khi cho trẻ ăn các loại quả có nhiều nhựa (như hồng xiêm, hồng, quả dâu da, quả sung …) hoặc các loại rau nhiều chất xơ (như măng …). Khi ăn quá nhiều, thức ăn kết lại với nhau và tồn tại lâu trong dạ dày thành khối bã, dễ dẫn tới tắc ruột, thậm chí thủng ruột… rất nguy hiểm.

Tắc ruột do u bã thức ăn thường gặp ở trẻ em và người già. U bã thức ăn thường hình thành khi thực phẩm có nhiều chất tanin như hồng xiêm, hồng ngâm, sung, ổi và thức ăn có nhiều chất bã xơ như măng... Đặc biệt lưu ý nếu ăn khi đói, dạ dày còn trống rỗng, nồng độ HCl cao, hoa quả có nhiều chất xơ, có nhiều nhựa dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã rắn chắc.

Theo các bác sĩ, thời điểm ăn, loại thực phẩm và thói quen ăn quá nhanh, nhai không kỹ là một trong những nguyên nhân mang tính nguy cơ gây tắc ruột do bã thức ăn. Vì thế, để dự phòng nguy cơ tạo khối bã thức ăn đường tiêu hóa, cần lưu ý cách ăn uống cho người cao tuổi và trẻ nhỏ: thức ăn phải nấu chín, ninh nhừ...

Khi ăn phải nhai kỹ, không ăn quá nhanh hoặc nuốt chửng, thức ăn không quá nhiều rau quả có tanin và hàm lượng chất xơ cao. Nhất là những người có tiền sử bệnh lý răng miệng, bệnh đường tiêu hóa hay đã phẫu thuật dạ dày, ruột và trẻ nhỏ càng phải lưu ý điều này để hạn chế nguy cơ hình thành khối u bã thức ăn trong ruột, dạ dày có thể dẫn tới tắc ruột, thậm chí thủng ruột… rất nguy hiểm.

Tú Anh