Khoảng trống cán bộ phục hồi chức năng tuyến xã

Hiện nay, có một điều bất hợp lý là tại tuyến xã có 75-80% người tàn tật có thể phục hồi nhưng ở khu vực này lại không có cán bộ phục hồi chức năng. Đây chính là bất cập được nêu lên tại hội thảo về chuyên đề này vừa diễn ra sáng nay, 17/10, tại Hà Nội.

Khoảng trống cán bộ phục hồi chức năng tuyến xã

Bà Phạm Thị Hòa, 75 tuổi ở Thị trấn Quế, huyện Kim Bẳng, tỉnh Hà Nam chăm sóc cho người con trai bị di chứng chất độc da cam. (Ảnh: Nguyễn Thủy/TTXVN)

 

Phó giáo sư Trần Trọng Hải - Phó giám đốc Dự án “Tổ chức phục hồi chức năng tại cộng đồng cho nạn nhân chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” nhấn mạnh, điểm bất hợp lý trên khiến cho công tác phục hồi chức năng cho những người tàn tật gặp rất nhiều khó khăn.

 

 Thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp do khoảng cách từ nhà nạn nhân lên bệnh viện phục hồi chức năng của tỉnh xa, phương tiện đi lại khó khăn nên nhiều gia đình nạn nhân không bố trí được thời gian để đưa nạn nhân đi phục hồi chức năng tại viện hoặc làm nẹp theo nhu cầu...

 

 Vì vậy, nhiều ý kiến đưa ra tại hội nghị cho rằng cần kết hợp hoạt động phục hồi chức năng cho nạn nhân với chương trình phục hồi chức năng cho người khuyết tật lồng ghép và hệ thống y tế cơ sở (tuyến thôn bản, xã huyện).

 

 Dự án “Tổ chức phục hồi chức năng tại cộng đồng cho nạn nhân chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” đã được Bộ Y tế tổ chức thí điểm tại ba tỉnh: Thái Bình, Quảng Ngãi, Đồng Nai, mỗi tỉnh được triển khai tại một huyện.

 

 Sau 5 năm triển khai, dự án đã cung cấp dịch vụ và chuyển giao kiến thức về phục hồi chức năng cho gần 15.000 nạn nhân và người khuyết tật, vượt 70% kế hoạch đề ra.

 

 Cụ thể, đã có hơn 7.500 nạn nhân được phục hồi chức năng tại nhà, 75 nạn nhân đã được phẫu thuật, gần 900 bệnh nhân được phục hồi chức năng tại bệnh viện. Bên cạnh đó, dự án cũng tăng cường năng lực chuyên môn và quản lý dịch vụ phục hồi chức năng cho nạn nhân tại các cơ sở đào tạo về phục hồi chức năng.

 

Theo Thùy Giang

Vietnamplus