Khổ vì “hờ hững” với... bảo hiểm y tế
(Dân trí) - Đang là người đàn ông trung niên khỏe mạnh, ông N.V.B (50 tuổi, Nam Định) không nghĩ có ngày mình ôm ngực gục xuống và phải trả chi phí hàng trăm triệu đồng chữa trị căn bệnh nhồi máu cơ tim…
Vợ ông khóc ngất vì vừa lo cho sức khỏe của chồng, vừa lo kiếm đâu ra ngay lúc đó vài chục triệu để chữa bệnh. Vừa chuyển viện, cả nhà vừa chạy vạy mướt mồ hôi mới vay mượn. Ca can thiệp tim mạch thành công, chi phí đợt chữa bệnh đó hết 110 triệu đồng.
“Cả nhà, hai con đã rất khốn khó chạy vạy để lo số tiền lớn chữa trị cho bố. Toàn bộ số tiền chữa trị đợt đó mất hơn 100 triệu đồng, là số tiền tích cóp cả đời của vợ chồng, con cái. Khi bác sĩ nói, nếu có bảo hiểm y tế, ít nhất được thanh toán 40 triệu tiền đặt stent, chưa kể tiền giường bệnh và các chi phí liên quan, tôi mới thấm thía như thế về ý nghĩa của thẻ BHYT”, ông B nói.
Sau khi xuất viện trở về nhà, ông B đã bỏ ra chưa đầy 500 nghìn để mua thẻ BHYT. Khi thẻ có giá trị sử dụng, ông được tái khám bằng thẻ BHYT. “Nguyên với kỹ thuật chụp mạch vành mỗi lần đi khám bệnh bác sĩ yêu cầu chụp chi phí đã hết 5 triệu đồng, BHYT chi trả đến 80%. Nói như vậy để thấy, người dân chúng tôi nhiều khi chủ quan về sức khỏe, còn nhìn vào giá trị được BHYT thanh toán, thấy nó lớn lao hơn gấp hàng trăm lần mệnh giá thẻ BHYT, giúp những người dân như chúng tôi có cơ hội được điều trị, theo dõi bệnh mà không phải quá chật vật lo chi phí điều trị”, ông B nói.
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương), rất nhiều người khi đi viện, danh giới giữa sống - chết không phải là do bệnh trạng của họ mà lại chính do chi phí bỏ ra để chi trả việc chữa trị. Nhiều người đã từng rớt nước mắt khi gia đình xin về để chết vì không có tiền chữa trị...
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, trong đời một người bác sĩ chắc chắn ai cũng phải chứng kiến cảnh bệnh nhân có cơ hội sống nhưng người nhà đành gạt nước mắt xin về vì không có tiền chữa trị.
“Thế nhưng bệnh nhân không có BHYT, gia đình nghèo khó, không chạy vạy đâu ra tiền để chữa trị cho con nên đành nhắm mắt xin con về để… chết. Nếu bệnh nhân này có thẻ BHYT, chi phí sẽ đỡ đi rất nhiều. Tổng số tiền điều trị mất khoảng 40 triệu, có thẻ BHYT, bệnh nhân chỉ phải chi trả khoảng 8 triệu”, BS Cấp nói.
Thương bệnh nhân còn quá trẻ, hoàn toàn có khả năng sống, bác sĩ Cấp đã gọi điện đến báo Dân trí nhờ kêu gọi sự ủng hộ của những tấm lòng nhân ái, nhờ thế mà bệnh nhân được được tiếp tục điều trị và được trở về với gia đình.
Một trường hợp khác, chị Hải bị tai biến sinh mổ phải nằm viện 12 ngày. Ngày ra viện, mừng rơi nước mắt vì tai qua nạn khỏi, và thấy vui mừng hơn vì nhờ có thẻ BHYT, chị chỉ phải thanh toán hơn 20% tổng số chi phí điều trị hơn 50 triệu.
“Nếu không có BHYT, vợ chồng tôi đến bán nhà đi mà trả viện phí. Thật may mắn, trước đó, vẫn mua thẻ BHYT, nhiều khi thấy không dùng đến cứ hơi… tiếc tiền. Nay mới thấm thía nguy cơ cho sức khỏe là những cái không thể lường trước được. Chẳng may đau ốm, chẳng may tai nạn, có thẻ BHYT gánh được bao chi phí cho người bệnh”, chị Hải nói.
Theo BS Cấp, không có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh người bệnh phải tự chi trả toàn bộ các chi phí khiến nhiều người không thể cáng đáng nổi, bỏ cuộc điều trị giữa chừng. Trong khi đó, dù thực sự là "cứu cánh" cho người bệnh khi ốm đau nhưng BHYT vẫn bị dân "hờ hững".
Mới đây, tại Hội nghị Bộ trưởng y tế ASEAN diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, nhiều người dân chưa hiểu hết ý nghĩa của việc tham gia BHYT. Khi tham gia BH, đóng mức rất thấp nhưng lợi rất lớn. Có những người không tham gia, khi bị bệnh trở thành thảm họa với gia đình bởi chi phí y tế quá lớn mà không có BHYT chi trả. Một thẻ BHYT chỉ vài trăm nghìn, nhưng có những ca bệnh chi trả hàng trăm triệu đồng. Với những gia đình lao động nhỏ, thủ công, ở mức trung bình (không phải cận nghèo, không nghèo), không có BHYT đi khám bệnh sẽ vô cùng khốn khổ vì viện phí”, bà Tiến phân tích.
Theo nữ Bộ trưởng, BHYT toàn dân là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng và là nguồn tài chính vững bền để giúp cho chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đề án tăng tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân phấn đấu năm 2015 phải đạt 70% và đến 2020 đạt trên 80%; Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và tăng sự hài lòng của người bệnh.
Hồng Hải