Khó chịu với mùi đồ chơi nhựa

Chị Nguyễn Quỳnh Nga (Thụy Khuê, Hà Nội) mua cho con trai một bộ đồ chơi bằng nhựa của Trung Quốc, khi mở ra mùi nhựa cháy khét và quá hôi.

Mặc dù không dám cho con chơi nhưng chị Nga vẫn tiếc nên để lại trong góc phòng. Mỗi khi đi làm về mở cửa phòng chị đều thấy khó chịu vì mùi hôi khét đó nên đành phải vứt đi.

 

Lời bàn: Nhựa dùng để sản xuất đồ chơi thường là nhựa tái sinh nên phải bổ sung thêm các hóa chất để tăng cường tính chất cơ lý như tăng độ bền, độ mềm dẻo hay độ cứng.

 

Để hạ giá thành xuống mức thấp nhất, các cơ sở sản xuất đồ chơi thậm chí còn thu gom nhựa phế thải từ nhiều nguồn khác nhau, thậm chí còn lẫn với các chất thải hữu cơ độc hại.

 

Tái chế các loại nhựa phế thải này phải qua xử lý nhiệt nhiều lần, ở nhiệt độ quá cao nên thành phẩm thường có mùi hôi, cháy khét.

 

Ngoài ra, các hóa chất như muối kẽm, muối catmi, muối đồng hoặc sử dụng các sơn màu vô cơ có thành phần oxit kim loại nặng như chì, thủy ngân... còn có thể thôi ra và hấp thu vào cơ thể khi trẻ gặm nhấm đồ chơi, gây ảnh hưởng không tốt cho sức khoẻ.

 

Các thành phần kim loại nặng trong nhựa, mặc dù rất độc hại, nhưng không thể nhận biết bằng cảm quan bình thường mà phải nhờ đến các thiết bị phân tích chuyên dùng. Do đó, các bậc cha mẹ không có cách nào hơn là hãy lựa chọn đồ chơi của các nhà sản xuất uy tín và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

 

Theo PGS. TS Phạm Gia Điền

Viện Hóa học/ Khoa học & Đời sống