Khi nào chị em cần xét nghiệm ung thư cổ tử cung?
(Dân trí) - Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh phổ biến nhất ở phụ nữ, đặc biệt trong độ tuổi 30 trở lên. Vì thế từ lứa tuổi này, chị em được khuyến cáo thực hiện xét nghiệm, sàng lọc ung thư cổ tử cung.
Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh phổ biến nhất ở phụ nữ, đặc biệt trong độ tuổi 30 trở lên. Năm 2018, Việt Nam có khoảng gần 4.200 ca mắc mới và có hơn 2.400 ca tử vong vì căn bệnh này.
Ung thư cổ tử cung là gì?
Cổ tử cung dài khoảng 5cm, nằm giữa tử cung và âm đạo. Đầu mở của cổ tử cung thông với âm đạo, được bao phủ bởi một lớp mô mỏng, lớp mô này được tạo thành từ các tế bào.
Ung thư cổ tử cung là một bệnh lý ác tính của tế bào gai hoặc biểu mô tuyến cổ tử cung, hình thành khi các tế bào ở cổ tử cung phát triển bất thường, tạo ra khối u trong cổ tử cung, nhân lên vô kiểm soát và xâm lấn khu vực xung quanh, thậm chí di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể.
Khi nào cần xét nghiệm sàng lọc?
Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh phổ biến nhất ở phụ nữ đặc biệt trong độ tuổi 30 trở lên.
Bệnh nhân ung thư cổ tử cung phải chịu nhiều hậu quả nặng nề như suy giảm sức khỏe, nguy cơ vô sinh, suy kiệt về tài chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và hạnh phúc gia đình.
Trong khi đó, nếu phát hiện sớm, ung thư tử cung có tiên lượng điều trị tốt, người bệnh có chất lượng sống tốt.
Tất cả những phụ nữ từng có quan hệ tình dục nên được sàng lọc ung thư CTC sớm, định kỳ, nhất là 30 tuổi trở lên.
Căn bệnh này hoàn toàn có thể phát hiện sớm nhờ tầm soát định kỳ. Theo đó, khi đi khám phụ khoa định kỳ, bác sĩ sẽ lấy mẫu làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung, cùng với tiêm phòng vắc xin, đây là cách phòng tránh và phát hiện sớm nhất bệnh ung thư cổ tử cung.
Khi đi khám sàng lọc nguy cơ ung thư cổ tử cung, bệnh nhân thường được thực hiện những bước sau:
- Khám phụ khoa
- Soi cổ tử cung: Phát hiện tổn thương sớm bất thường tại cổ tử cung
- Thực hiện xét nghiệm Pap smear và HPV: Xét nghiệm Pap được thực hiện nhằm tìm kiếm sự thay đổi trong các tế bào cổ tử cung, là một xét nghiệm rất đơn giản để tìm những biến đổi bất thường của tế bào cổ tử cung.
Đây là một xét nghiệm đơn giản, bác sĩ lấy dịch âm đạo trong lần đi khám phụ khoa để tiến hành xét nghiệm, với chi phí rẻ, dễ thực hiện.
- Xét nghiệm HPV: rất có giá trị trong sàng lọc ung thư cổ tử cung.
Đây là xét nghiệm được chỉ định cho phụ nữ từ 25 tuổi trở lên, đã có quan hệ tình dục. Xét nghiệm HPV cho biết bạn có nhiễm HPV 16 và 18 cùng 12 loại HPV nguy cơ cao hay không trước khi phát hiện có biến đổi tế bào cổ tử cung.
- Sinh thiết cổ tử cung: khi phát hiện dấu hiệu bất thường qua soi cổ tử cung hoặc xét nghiệm Pap smear có tế bào bất thường.
- Các xét nghiệm khác: siêu âm ổ bụng, xét nghiệm máu…
- Đọc kết quả và tư vấn (hoặc chỉ định khác nếu có).
Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo chị em nên thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ. Cần lưu ý khi đi khám tầm soát phải sạch kinh nguyệt. Khoảng 2 ngày trước khi thử Pap không bôi kem hay đặt thuốc vào âm đạo. Không nên sinh hoạt tình dục trong vòng 1 -2 ngày trước khi thử Pap.
Các chuyên gia lưu ý, tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng tăng, đặc biệt là trên 35 tuổi. Vì thế, việc tầm soát ung thư định kỳ rất quan trọng để phát hiện sớm, tăng chất lượng điều trị, giảm nguy cơ tử vong.
Các dấu hiệu cảnh báo
Ngoài ra, khi có những dấu hiệu dưới đây, chị em cần phải đi khám ngay bởi có nguy cơ ung thư cổ tử cung rất cao:
- Ra khí hư âm đạo màu vàng, có mùi khó chịu hoặc khí hư có nhầy máu.
- Ra máu âm đạo bất thường.
- Ra máu âm đạo sau quan hệ tình dục.
- Đau tức vùng bụng dưới.
- Đi tiểu, đi ngoài ra máu khi ung thư xâm lấn bàng quang, trực tràng.
Có nhiều yếu tố tạo thuận lợi cho tiến triển ung thư cổ tử cung từ nhiễm HPV (virus u nhú ở người): Sinh nhiều lần, tuổi bắt đầu quan hệ tình dục sớm, có nhiều bạn tình, hút thuốc lá… Ung thư cổ tử cung có liên quan với suy giảm miễn dịch, tần suất gia tăng ở những bệnh nhân ghép tạng và những người nhiễm HIV/AIDS.