1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Khánh Hòa là tỉnh thứ 4 ở Việt Nam cấy thành công ốc tai điện tử

(Dân trí) - Sáng ngày 28/4, bác sỹ CKII Phan Hữu Chính, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, cho biết, bệnh viện vừa thực hiện thành công liên tiếp 2 ca phẫu thuật cấy ốc tai điện tử cho 2 cháu bé trong tỉnh và trở thành địa phương thứ 4 thực hiện thành công phẫu thuật này.

Khánh Hòa là tỉnh thứ 4 ở Việt Nam cấy thành công ốc tai điện tử

Theo đó, 2 bé gái được phẫu thuật thành công gồm cháu Lê Hiền Ngọc Diễm (6 tuổi, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) và cháu Nguyễn Ngọc Hiếu (5 tuổi, TP Nha Trang, Khánh Hòa). Trao đổi với phóng viên Dân trí vào sáng cùng ngày, bác sỹ CKII Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, cho biết, 2 bé gái nói trên bị điếc bẩm sinh nặng, điếc sâu trên 120dB, ở mức độ không thể nghe âm thanh còi hơi ô tô…

Sau khi nhập viện, các bác sỹ đã kiểm tra cho 2 bé để xác định mức độ điếc, chụp MRI xác định không có thương tổn tai giữa, xương chũm, tổn thương viêm; làm các xét nghiệm tiền phẫu…

Bé Diễm và bé Hiếu sau ca phẫu thuật ốc tai điện tử đầu tiên ở Khánh Hòa - Ảnh: Viết Hảo
Bé Diễm và bé Hiếu sau ca phẫu thuật ốc tai điện tử đầu tiên ở Khánh Hòa - Ảnh: Viết Hảo

Các kết quả trên cho thấy 2 bé đủ tiêu chuẩn để thực hiện phẫu thuật cấy ốc tai điện tử theo quy trình, kỹ thuật của Bộ Y tế. Vào trưa ngày 27/4, ê-kíp gồm 8 y, bác sỹ của Khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện phẫu thuật cấy ốc tai điện tử cho 2 bé bắt đầu từ lúc 9h - 17h cùng ngày, giữa 2 ca có nghỉ giải lao. Sau phẫu thuật, 2 bé tỉnh táo, đi lại được, vết mổ khô…

“Ốc tai điện tử có 2 phần, phần trong là phần nhận và giải mã âm thanh, còn phần ngoài là phần nhận phát âm thanh sau đó đưa lên não xử lý nghe, hiểu. Sau phẫu thuật, chúng tôi chụp phim xác định điện cực ốc tai điện tử đã nằm đúng vị trí. Khoảng 10 ngày nữa, 2 bé sẽ được cắt chỉ và 20-30 ngày nữa, các bác sỹ sẽ thử máy và hiệu chỉnh máy”, bác sỹ Dũng nói.

Thành công từ việc phẫu thuật cấy ốc tai điện tử đã đưa Khánh Hòa vào danh sách là tỉnh thứ 4 ở Việt Nam sau Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng. “Khoảng 10-15 năm trước TP HCM đã thực hiện thành công phẫu thuật này, tiếp đó đến Hà Nội khoảng 5-7 năm trước và Đà Nẵng cách đây 1-2 năm”, bác sỹ Dũng nói.

Bác sỹ Dũng bên bé Hiếu (TP Nha Trang) trưa ngày 28/4 sau khi phẫu thuật ốc tai điện tử-Ảnh: Viết Hảo
Bác sỹ Dũng bên bé Hiếu (TP Nha Trang) trưa ngày 28/4 sau khi phẫu thuật ốc tai điện tử-Ảnh: Viết Hảo

Trưa ngày 28/4, tiếp xúc với phóng viên Dân trí, 2 bé gái vừa được hiện thành công cấy ốc tai điện tử đã có thể đi lại, cười đùa. Anh Lê Trọng Chính (36 tuổi), bố cháu Diễm, cho biết, bé bị điếc bẩm sinh từ nhỏ, không thể nghe được. “Ở nhà bé rất hoạt bát, vui tươi và nhanh nhẹn”, anh Chính nói. Trong khi đó, chị Thùy Linh, mẹ bé Hiếu chia sẻ: “Do mình nói bé không nghe, bé không như bình thường nên mỗi lần cho bé ăn phải dỗ rất lâu, ra dấu cho bé hiểu”.

Được biết, một ca phẫu thuật cấy ốc tai điện tử có chi phí từ 400-500 triệu đồng/ca và các bệnh nhân nghèo ít khi có cơ hội được phẫu thuật. Nằm trong chương trình nhân đạo, 2 ca của Khánh Hòa được đã giảm xuống còn hơn 200 triệu/1 bên. Hiện 2 bé gái ở Khánh Hòa đã được các bác sỹ thực hiện phẫu thuật một bên, dự kiến 3 tháng sau sẽ phẫu thuật bên còn lại.


Bé Diễm có thể chơi đùa bình thường bên mẹ - Ảnh: Viết Hảo

Bé Diễm có thể chơi đùa bình thường bên mẹ - Ảnh: Viết Hảo

Trên thế giới thường cấy ghép ốc tai điện tử cho các cháu bé trước 6 tháng tuổi, còn ở Việt Nam thì thực hiện ở lứa tuổi muộn hơn. Tỷ lệ thành công cao là khi thực hiện cấy ốc tai điện tử trước khi hình thành ngôn ngữ, tức là trước 2 tuổi.

Sau lứa tuổi trên nếu cấy ghép ốc tai điện tử thì phải trải qua quá trình huấn luyện, giáo dục, đào tạo. “Phải đào tạo theo một giáo trình đặc biệt, có thể từ 6 tháng đến 1 năm, hoặc có thể lâu hơn mới thể giao tiếp được. Quá trình đào tạo rất phức tạp”, bác sỹ Dũng chia sẻ với phóng viên Dân trí.

Viết Hảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm