Khăn lạnh - mối nguy cho sức khoẻ
Hầu hết các quán ăn, nhà hàng hiện nay đều cho khách dùng khăn ướp lạnh. Thời tiết nóng, trước khi ăn mà được lau mặt bằng chiếc khăn trắng nõn, ướp lạnh mát rượi, thoang thoảng nước hoa thì quả là dễ chịu. Thế nhưng, thực sự những chiếc khăn đó liệu có sạch?
Những chiếc khăn lạnh này không phải nhà hàng khuyến mãi cho khách hàng mà đều được tính tiền 1.000 đến 2.000đ/chiếc. Có lẽ “xót ruột” vì phải trả tiền nên nhiều thực khách sau khi sử dụng khăn để lau mặt, thấy khăn còn trắng, lại không thể đem về nhà liền sử dụng luôn vào việc lau bàn đã bẩn, ghế ngồi thậm chí cả giầy dép.
Chủ một cơ sở sản xuất khăn lạnh cung cấp khăn ăn cho các nhà hàng cho biết: Khăn lạnh thường được mua của các cơ sở sản xuất dệt tư nhân ở Thái Bình, Nam Định với giá từ 300-500đ/chiếc, hoặc vào các công ty dệt may của nhà nước mua khăn lỗi. Khăn đem về được dúng qua nước lạnh để tạo độ ẩm, xịt qua ít nước hoa rẻ tiền, sau đó khăn đựơc đóng gói vào túi ni lông và đem giao cho các nhà hàng, quán ăn với giá từ 700-800đ/chiếc. Nếu chủ hàng có yêu cầu in thêm trên bao bì lô gô hoặc địa chỉ nhà hàng hoặc hương thơm khác biệt thì giá cao hơn chút ít. Những chiếc khăn này được các cửa hàng lưu giữ trong tủ lạnh, khi đem phục vụ thực khách đã “lột xác” thành những chiếc khăn lạnh hấp dẫn.
Nhiều thực khách nghĩ rằng loại khăn ăn rẻ tiền như vậy thì chỉ đem sử dụng một lần sau đó bỏ đi. Nhưng không, sau một, hai ngày, các cơ sở làm khăn sẽ cho người đi thu gom tất cả khăn đã dùng về, rồi “tái sản xuất” để “tái sử dụng”.
Sau khi gom về, khăn bẩn được đổ đống vào một thau lớn, người giặt... dùng chân ra sức đạp cho đến khi nước trong thau chuyển sang màu nhờ nhờ đen. Xem như đã giặt sạch, đống khăn này được xả lại qua hai lượt nước. Với những khăn quá bẩn không thể giặt sạch bằng xà phòng, thì được ngâm thuốc cho đến khi trắng tinh trở lại rồi mới đem giặt.
Sau khi khăn được “giặt sạch”, thì khỏi cần phơi khô cho tốn công mà được ép cho gần kiệt nước, tẩm hương thơm, đóng gói, ướp lạnh và lại đến tay “thượng đế”.
Theo các bác sỹ chuyên ngành da liễu: khăn lạnh qua tay rất nhiều người sử dụng, lại được giặt không sạch và luôn luôn trong tình trạng ẩm ướt, nên là môi trường “nuôi” vi khuẩn rất tốt, gây bệnh cho da và đặc biệt nguy hại với người có làn da nhạy cảm.
Mặc dù các cơ sở sản xuất khăn ăn cũng sử dụng bột giặt trong quá trình giặt, tẩy khăn ăn. Nhưng đó là các loại bột giặt rẻ tiền nên chỉ diệt được một số ít vi khuẩn thông thường, còn những loại nấm như hắc lào, tổ đỉa, eczema, lang ben hay các vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp... thì không diệt được. Những loại vi khuẩn này phải có hóa chất riêng mới tiêu diệt được. Tuy nhiên hiện nay, chỉ một vài cơ sở lớn mới đầu tư hệ thống tẩy trùng, hấp sấy, hóa chất diệt khuẩn đủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh để làm sạch khăn lạnh đã qua sử dụng.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra, đánh giá tiêu chuẩn an toàn vệ sinh trong lĩnh vực này hiện đang bị các cơ quan chức năng “bỏ ngỏ”. Điều này đã góp phần để nhiều cơ sở không tuân thủ các quy định an toàn vệ sinh trong quá trình sản xuất khăn lạnh. Trắng tinh, tươi mát... khăn lạnh vô tình trở thành một mối nguy hiểm cho sức khỏe.
Theo Kinh tế và Đô thị