1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Khẩn cấp ngăn chặn, ứng phó với bệnh dịch tả lợn châu Phi

(Dân trí) - Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ký ban hành kế hoạch ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh này.

Cụ thể, ngăn chặn, giảm thiểu tối đa nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi (gọi tắt là bệnh) vào địa bàn Thanh Hóa.

Chủ động giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp lợn mắc bệnh để xử lý triệt để, không để lây lan ra diện rộng; giảm thiểu tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội, môi trường do bệnh này gây ra.

Khẩn cấp ngăn chặn, ứng phó với bệnh dịch tả lợn châu Phi - 1
Tỉnh Thanh Hóa vừa ký ban hành kế hoạch ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh này.

Tỉnh Thanh Hóa đưa ra 2 tình huống: Phòng ngừa khi bệnh chưa xâm nhiễm vào địa bàn; xử lý bệnh khi đã phát hiện trên địa bàn.

Khi chưa phát hiện bệnh, tỉnh Thanh Hóa yêu cầu xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện "Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa" nếu thấy cần thiết.

Kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp để chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch. Tổ chức, thành lập các đoàn kiểm tra, đặc biệt là tại các đơn vị giáp biên giới, có hoạt động giao thương trên biển với nước ngoài, các đơn vị có nhiều khách du lịch và có phương tiện vận chuyển đến từ các nước đang có bệnh.

Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.

Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài, ngoài tỉnh vào địa bàn Thanh Hóa.

Tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, sân bay, cảng biển đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh dịch nhập cảnh vào địa bàn Thanh Hóa.

Đặc biệt, chú ý những vị trí thường xuyên vận chuyển lợn từ nước có bệnh vào địa bàn qua đường bộ, đường hàng không, đường biển...

Trường hợp nghi lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu cần báo cáo Cục Thú y và thực hiện truy xuất nguồn gốc. Tiêu hủy đối với các loại lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép từ nước ngoài, tỉnh ngoài vào địa bàn.

Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đối với các loại lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép từ nước ngoài vào địa bàn; các loại lợn phát hiện bị bệnh, nghi bị bệnh tại các điểm, cơ sở giết mổ, tại các hộ, cơ sở chăn nuôi lợn hoặc trong quá trình vận chuyển; các sản phẩm thịt lợn đông lạnh, thịt lợn tươi, dăm bông, xúc xích, lạp sườn,...

Việc ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh, nhưng tránh hiểu lầm và gây hoang mang trong xã hội.

Khi phát hiện ổ dịch bệnh, không điều trị lợn bệnh, nghi mắc bệnh, phải tiêu hủy toàn đàn trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh.

Việc tiêu hủy cũng được áp dụng đối với các đàn lợn liền kề với đàn lợn dương tính nhưng chưa được lấy mẫu xét nghiệm.

Tại vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, trong vòng 48 giờ, việc tiêu hủy được áp dụng với đàn lợn bị bệnh có triệu chứng lâm sàng của dịch mà không nhất thiết phải chờ có kết quả xét nghiệm nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát tán, lây lan diện rộng.

Đối với chăn nuôi trang trại, nếu phát hiện dương tính hoặc xét thấy có nguy cơ lây nhiễm cao thì tiêu hủy toàn trang trại.

Hỗ trợ tài chính cho người chăn nuôi có lợn, sản phẩm của lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ. Thực hiện việc tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng...

Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh khi được thành lập là đầu mối điều phối, chỉ đạo các hoạt động ứng phó khẩn cấp trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch này.

Duy Tuyên