Khám, tư vấn miễn phí bệnh đau mạn tính

(Dân trí) - Đau mạn tính ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống nhưng vẫn chưa được người bệnh và cơ sở y tế quan tâm đúng mức. Ngày 5/6, chương trình khám, tư vấn miễn phí sẽ được tổ chức để giúp cộng đồng hiểu rõ về bệnh lý đau mạn tính, có hướng điều trị phù hợp.

TS.BS Nguyễn Minh Anh, Trưởng đơn vị chuyên sâu về điều trị đau, bệnh viện Đại học Y Dược, TPHCM cho biết, đau mạn tính là chứng đau dai dẳng, tái đi tái lại nhiều lần, kéo dài trên 3 tháng, khiến cơ thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả thể lực và tâm lý.

Người bệnh đau mạn tính cần hợp tác chặt chẽ với bác sĩ trong quá trình điều trị
Người bệnh đau mạn tính cần hợp tác chặt chẽ với bác sĩ trong quá trình điều trị

Người bệnh ở mọi lứa tuổi đều có thể bị đau mạn tính, nhưng tập trung chủ yếu ở lứa tuổi trung niên trở lên (trên 40 tuổi). Những bệnh đau mạn tính thường gặp gồm: đau cột sống, đau khớp, đau đầu, đau sau Zona và đau sau tai biến,...

Chăm sóc, điều trị hợp lý để đẩy lùi bệnh, nâng chất lượng sống cho bệnh nhân đã được các nước phát triển đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tình trạng quá tải ở các cơ sở y tế khiến người bệnh chỉ được tập trung điều trị lành bệnh mà “bỏ quên” khâu chăm sóc toàn diện. Mặt khác, cộng đồng chưa có được những kiến thức cơ bản nhất về bệnh đau mạn tính nên thiếu sự quan tâm khiến người bệnh không tìm được lối ra. Thực tế trên đang làm suy giảm chất lượng sống của bệnh nhân gây mất sức lao động tạo tâm lý căng thẳng, hoang mang, lo lắng cho cả người bệnh lẫn thân nhân.

Để trang bị kiến thức cho cộng đồng và đề ra những giải can thiệp, điều trị hiệu quả ngày 5/6/2016, bệnh viện Đại học Y Dược sẽ tổ chức chương trình "Tư vấn và khám bệnh miễn phí cho người bệnh đau mạn tính".

Theo phân tích của TS Minh Anh, để đạt được kết quả khả quan, người bị đau mạn tính cần được điều trị theo hướng đa mô thức trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa các khoa như Nội Thần kinh, Ngoại Thần kinh, Chấn thương Chỉnh hình, Gây mê Hồi sức, Vật lý trị liệu, Tâm lý trị liệu. Điều trị đau có thể sẽ phải trải qua các giai đoạn nội khoa (sử dụng thuốc), thủ thuật và ngoại khoa (phẫu thuật).

Việc điều trị cần phải có thời gian và tuân thủ quy trình, nhưng thông thường tâm lý của người bệnh chỉ muốn khỏi đau càng sớm càng tốt nên khi mới bắt đầu điều trị, đau chưa thuyên giảm thì bệnh nhân đã mất lòng tin bỏ dở phác đồ. Do đó, trong điều trị đau rất cần đến sự đồng cảm, hiểu biết giữa bệnh nhân với bác sĩ. Người làm chuyên môn phải cung cấp lộ trình điều trị cho bệnh nhân, tư vấn những khó khăn sẽ gặp phải và phương pháp giải quyết; người bệnh cần kiên trì và nỗ lực vượt qua chính bản thân, hợp tác cùng bác sĩ trong quá trình điều trị.

Vân Sơn