Khám, chữa bệnh BHYT bằng y học cổ truyền: Bất cập từ trên xuống dưới

Tại Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Phạm Lương Sơn - cho biết, có rất nhiều bất cập trong KCB BHYT y, dược cổ truyền cần phải được xem xét lại.

Giá thuốc chênh lệch, chất lượng không đảm bảo

Tại Hội thảo “Một số khó khăn, vướng mắc trong khám chữa, bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) của các đơn vị trong lĩnh vực y, dược cổ truyền” do Bộ Y tế và BHXH Việt Nam tổ chức ngày 6/6, Phó Tổng Giám đốc BHXH Phạm Lương Sơn - cho biết, có rất nhiều bất cập trong KCB BHYT y, dược cổ truyền cần phải được xem xét lại.

Cụ thể, trong thực hiện và thanh toán chi phí dịch vụ kỹ thuật y học cổ truyền (YHCT), nhiều cơ sở YHCT chỉ định rộng rãi dịch vụ kỹ thuật; Chỉ định đồng thời nhiều dịch vụ kỹ thuật có cùng cơ chế tác dụng/bệnh nhân. Thực hiện dịch vụ kỹ thuật không bảo đảm quy trình kỹ thuật. Có nơi tách các dịch vụ kỹ thuật để thanh toán, kéo dài ngày điều trị nội trú hay đưa bệnh nhân vào điệu trị nội trú khi chưa cần thiết.

Trong khi đó, việc đấu thầu thuốc YHCT cũng được chỉ ra rất đáng quan ngại như giá trúng thầu của các vị thuốc YHCT có sự chênh lệch rất lớn giữa các địa phương.

Ví dụ như Ba kích tại Quảng Nam có giá 338.500 đồng, Thanh Hóa là 630.000 đồng, Điện Biên giá 730.000 đồng/kg. Bạch truật tại Trà Vinh giá 148.000 đồng/ kg, trong khi tại Thanh Hóa giá cao gấp 2,8 lần là 420.000 đồng/kg. Vị thuốc Đào nhân tại Trà Vinh giá 357.000 đồng/kg nhưng tại Bình Dương giá cao gấp đôi, tới 840.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, giá vị thuốc chênh lệch khá cao giữa các cơ sở KCB trên cùng một địa bàn cũng được BHXH chỉ ra. Giá thuốc tại kết quả đấu thầu chưa phản ánh được rõ chất lượng thuốc. Ví như Bạch truật không nói nguồn gốc Việt Nam hay Trung Quốc nên giá dao động từ 134.925/kg - 863.000/kg.

Khám chữa bệnh YHCT nhưng chỉ định cả thuốc tây y không hợp lý

Theo Cục Quản lý YDCT- Bộ Y tế, mới chỉ có 10 doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận. Tại hội thảo, Ths. Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết, nhiều bất cập mà khi triển khai thực tế, ngành y dược đang mắc phải.

Một số đơn vị khi thực hiện danh mục kỹ thuật ở một chuyên khoa thì chuyên khoa khác làm không được thanh toán. Các hướng dẫn cụ thể bệnh mãn tính - bệnh cấp tính để BHXH thanh toán chưa cụ thể, một số nơi BHXH áp bệnh mãn tính là bệnh điều trị dài ngày của Bộ Y tế.

Một vướng mắc mà các BVYHCT đang mắc là BHYT không cho phép kê đơn dưới 7 ngày đối với bệnh cấp tính và một đợt điều trị bệnh mãn tính chỉ được khám 1 lần. BHXH yêu cầu một số nơi đề nghị phải có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận về cấy chỉ, trường châm… Hiện tại các trường đại học không nhận bác sĩ chuyên khoa YHCT học chuyên khoa sơ bộ/định hướng một số chuyên ngành y học hiện đại. Do đó, BV không đủ điều kiện về nhân lực để đăng ký khám BHYT ban đầu.

Ông Tuấn đề nghị BHXH có cơ chế mua thuốc nam (thuốc bản địa không qua đấu thầu); nâng định mức trần chi trả tại trạm y tế YHCT; Bổ sung tiêu chí chất lượng cho các dược liệu, đặc biệt là thuốc nam; đề nghị hướng dẫn thực hiện về lưu bã thuốc đối với thang thuốc có vị độc tính.

Để tháo gỡ những vướng mắc trên, đại diện BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Y tế cần sớm phối hợp với BHXH tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện KCB bằng YHCT. Rà soát lại quy trình thực hiện dịch vụ kỹ thuật để điều chỉnh định mức kinh tế kỹ thuật, nhân lực và thời gian phù hợp. Đồng thời, cần đánh giá hiệu quả sử dụng vị thuốc YHCT tại các địa phương có chi phí lớn. Cần công bố giá thuốc trúng thầu, giá trúng thầu trung bình đối với vị thuốc YHCT. Điều chỉnh quy định về tỉ lệ hư hao YHCT.

BHXH cũng đề nghị Bộ Y tế cần có hướng dẫn cụ thể việc sử dụng, thanh toán đối với thuốc tự bào chế chất lượng, giá cả hợp lý. Tăng cường kiểm tra, đánh giá chất lượng vị thuốc YHCT; hướng dẫn việc kết hợp thuốc thang với thuốc thành phẩm....

Theo Thùy Linh

Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm