Khám BHYT: Luật thi hành, người bệnh vẫn mệt mỏi

Gần nửa tháng áp dụng Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), tình hình quá tải tại các bệnh viện tuyến trên không những vẫn tiếp diễn, mà phía người bệnh còn chật vật hơn khi đi khám chữa bệnh.

Càng ngày bệnh nhân càng phải chờ lâu

 

Cuối tuần qua, vợ chồng chị Tạ Thị Thu Thuỷ (đường La Thành, quận Ba Đình, Hà Nội) đến khám thai tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Sau khi chờ 1 tiếng đồng hồ, chồng chị Thuỷ sốt ruột: "Đây là lần đầu tôi đưa vợ đi khám thai. Không ngờ lại đông và phải chờ lâu như thế này”. Bên ngoài hành lang, một hàng dài bệnh nhân xếp hàng chờ đợi.

 

Tại Bệnh viện phụ sản TƯ, lượng người đến khám BHYT có ít hơn do đây là bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, người bệnh vẫn không thoát khỏi cảnh chờ đợi như các viện khác.

 

Đông nhất là Bệnh viện Bạch Mai, người đến khám bệnh BHYT chen nhau chật kín quầy tiếp đón. Bác Trịnh Văn Quân, trú tại quận Hoàng Mai than thở: “Đi viện thời nay mà như đi xếp hàng thời bao cấp vậy, chờ đợi sốt ruột vẫn chưa đến lượt mình. Càng ngày tôi càng phải chờ đợi lâu hơn”.

 

Sự đông đúc này khiến nhiều người đành phải bỏ BHYT để khám dịch vụ. Do đó, tại khu khám dịch vụ của các bệnh viện, lượng bệnh nhân rất đông.

 

Khám BHYT: Luật thi hành, người bệnh vẫn mệt mỏi  - 1

Nhiều bệnh nhân BHYT phải chờ khám hơn 3 tiếng đồng hồ tại bệnh viện Thống Nhất

Còn ở TPHCM, tại Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Chợ Rẫy, 2 đơn vị thí điểm được Bộ Y tế chọn để triển khai nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cũng vẫn có nhiều bệnh nhân phải than phiền vì chờ đợi.

 

Bác Trần Hữu Tuyên, một cán bộ hưu trí, ngụ quận Tân Bình chốc chốc lại thở dài mệt mỏi vì phải chờ đợi quá rất lâu. Bác Tuyên cho biết: “Tôi đi bộ từ nhà tới đây từ 6h sáng, ngồi chờ đến giờ này đã gần trưa mà vẫn chưa lấy được kết quả xét nghiệm. Hôm qua tôi phải bốc số để chờ được lấy nước tiểu làm xét nghiệm, đợi chờ đã mất cả buổi. Sáng nay đến lấy kết quả thôi cũng vẫn phải bốc số để chờ. Chúng tôi già cả rồi, nếu mỗi lần đi khám mà rườm rà như vậy thì thật khổ quá!”.

 

Không than phiền như những người khác, nhưng bác Phúc (quận Tân Bình) chăm chú đọc báo để thời gian mau qua. Bác đã đến bệnh viện chờ khám được 3 tiếng đồng hồ. “Phải thông cảm thôi, vì không phải chỉ một chốc lát mà ngành y tế có thể khiến cho bệnh nhân diện bảo hiểm y tế hài lòng được”.

 

Dân chưa hết khổ

 

Cùng với việc Luật Bảo hiểm y tế bắt đầu có hiệu lực, Bộ Y tế đã xây dựng và triển khai thí điểm chương trình “Chất lượng và sự hài lòng của người bệnh” nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho bệnh nhân BHYT và các đối tượng khác tại 10 bệnh viện tuyến trung ương trong cả nước từ 1/7.

 

Theo đó, các bệnh viện sẽ cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà, đảm bảo quyền lợi của người bệnh và tiết kiệm thuốc, xét nghiệm thông qua các hoạt động như hẹn giờ khám chữa bệnh qua điện thoại, trả kết quả xét nghiệm nhiều lần trong ngày hoặc trả tại giường, trả qua bưu điện. 

 

Mỗi bệnh viện sẽ có ít nhất một cán bộ thường trực tại nơi đón tiếp bệnh nhân để giải quyết kịp thời những thắc mắc của người bệnh liên quan đến BHYT.

 

Có rất nhiều người đến khám không biết những thay đổi này. Khi được hỏi, anh Trần Văn Trung (quê ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) ngơ ngác: “Tôi không hề biết gì về việc được hẹn giờ khám qua điện thoại. Bây giờ chị hỏi tôi mới biết”.

 

Nói rồi, anh tỏ vẻ tiếc rẻ: “Biết thế này tôi tìm số điện thoại rồi gọi lên hỏi xem sao, chứ tay xách nách mang từ quê ra, giờ phải ngồi chờ cả buổi thế này mệt mỏi quá”.

 

Tìm trong khu đón tiếp bệnh nhân và khám bệnh của bệnh viện, không thấy có thông tin nào liên quan đến sự thay đổi này. Chỉ có một người hướng dẫn ngồi bên trong phòng tiếp đón bệnh nhân có thể chỉ đường cho người đến khám. Trên trang web của bệnh viện cũng không tìm được thông tin này.

 

Tuy nhiên, nếu người khám đã biết số điện thoại của bệnh viện rồi thì chuyện hẹn giờ khám qua điện thoại cũng không dễ dàng như họ tưởng.

 

Bệnh viện Phụ sản TƯ có số điện thoại tư vấn cho khách hàng về Luật BHYT, tư vấn về quyền lợi và nghĩa vụ của bệnh nhân có BHYT. Qua đường dây này, bệnh nhân có thể được tư vấn và đăng ký khám chữa bệnh. Nhưng khi chị Lan Hương (trú tại quận Ba Đình, Hà Nội), gọi đến để hẹn giờ khám bệnh thì nhận được câu trả lời từ đầu dây bên kia: “Có giấy chuyển viện từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội rồi thì cứ lên đây, không hẹn trước được, đến sớm khám sớm, đến muộn khám muộn”. Chị Hương nghe xong nói: “Thế hoá ra là mình không thể hẹn trước được, vẫn cứ đến khám như bình thường thì còn nói chuyện gì nữa".

 

Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cũng cho biết, đã áp dụng phương thức hẹn giờ khám qua điện thoại để giảm tải, tránh cho người bệnh phải chờ đợi. Tuy nhiên, số đông bệnh nhân còn chưa quen với hình thức này nên cứ đến thẳng bệnh viện để lấy số cho chắc ăn.

 

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều bệnh nhân đến khám vẫn phải mất thời gian chờ đợi. Để khắc phục tình trạng này, chỉ trong tháng 7, bệnh viện sẽ đưa vào hoạt động thêm một khu khám bệnh và xét nghiệm mới để giảm tải.

 

Không dễ có chuyển biến ngay

 

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Muốn triển khai chương trình này, chúng tôi phải chuẩn bị đầy đủ, hoàn thiện các yếu tố về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn cho các cán bộ thực hiện”.

 

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Công, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM), sở dĩ bệnh nhân diện BHYT phải chờ đợi lâu là do bệnh viện chủ yếu phục vụ cho cán bộ trung và cao cấp, cán bộ hưu trí. Những bệnh nhân này đã lớn tuổi, thường đi tập thể dục từ sáng sớm xong, tiện thể... ghé vào bệnh viện khám luôn.

 

Bên cạnh đó, cũng có nhiều bệnh nhân sợ đến cuối tháng bệnh viện hết thuốc để cấp, vì vậy đã kéo đến rất đông tới Khoa Khám vào những buổi sáng đầu tháng.

 

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội không nằm trong diện thí điểm, nhưng ông Nguyễn Huy Bạo, Giám đốc bệnh viện này cho hay: “Nếu có thực hiện cũng không dễ, vì phải bố trí người trực điện thoại và kiểm tra đăng ký qua mạng Internet, bố trí máy móc, lên lịch để các bộ phận khớp với nhau…”.

 

Còn ông Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thông tin: “Chương trình nào cũng vậy, phải được triển khai thực hiện dần dần, từng bước một, không thể một lúc mà thay đổi ngay được”.

 

Vậy là, trong khi chờ đợi các bệnh viện triển khai từng bước và thay đổi dần dần chất lượng khám chữa, người bệnh sẽ vẫn phải tiếp tục khám và chữa bệnh như trong điều kiện hiện tại.

 

Theo Cẩm Quyên - Thanh Huyền

Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm