Keto giảm cân thần tốc có thực sự tốt?

(Dân trí) - Keto là một chế độ ăn kiêng rất phổ biến hiện nay song các nhà khoa học hiện vẫn tranh cãi rất nhiều về những tác hại đối với sức khỏe.

Low carb là chế độ ăn giảm tinh bột, giàu chất béo có thể giúp giảm cân nhanh. Các phương pháp ăn kiêng low carb từ lâu đã không được ưa chuộng. Tuy nhiên gần đây một phiên bản khác song nghiêm khắc hơn của chế độ ăn này gọi là keto đang rất được chú ý. Đồng thời nó cũng dẫn đến những tranh cãi gay gắt về những rủi ro và lợi ích của chế độ ăn này.

Theo đó, bạn sẽ phải loại bỏ tinh bột trong khẩu phần ăn hằng ngày. Cách ăn này làm cạn kiệt nguồn glucose của cơ thể, buộc nó phải đốt cháy chất béo và tạo nguồn năng lượng thay thế được gọi là ketones. Trong chế độ ăn keto, tinh bột chỉ chiếm dưới 10% tổng năng lượng, protein khoảng 20%, còn lại là các chất béo.

Keto giảm cân thần tốc có thực sự tốt? - 1

Trong chế độ ăn keto chất béo chiếm khoảng 70% tổng năng lượng, protein 20%, tinh bột dưới 10%. Ảnh: The New York Times.

Chế độ ăn này được nhiều người nổi tiếng lựa chọn. Phe ủng hộ thì cho rằng nó giúp giảm cân đáng kể, đồng thời giúp kiểm soát đường huyết ở những người bị tiểu đường tuýp 2.

Có nhiều nghiên cứu về chế độ ăn này trong nhiều năm qua song phần lớn đều là nghiên cứu nhỏ và thời gian khá ngắn.

Tiến sĩ Ethan Weiss, một bác sĩ tim mạch tại Đại học California, San Francisco, Mỹ từng thử ăn theo chế độ keto vài năm. Ông bỏ bữa sáng và ăn phần lớn là salad, các loại hạt, pho mát, rau nướng, gà nướng, cá hoặc đậu phụ và thêm socola cho bữa phụ. Kết quả, ông đã giảm khoảng 9 kg.

Sau này ông thậm chí mở một công ty và phát triển app để đo lường mức độ ketone và đánh giá hiệu quả của chế độ ăn.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều lời gièm pha về chế độ ăn này. Một số bác sĩ và chuyên gia y tế thì cho rằng nó giúp giảm cân nhanh nhưng không chứng tỏ hiệu quả hơn so với các chế độ ăn kiêng khác về lâu dài. Thậm chí nhiều người còn lo ngại bởi vì nó khuyến khích tiêu thụ những thực phẩm giàu chất béo bão hòa, yếu tố nguy cơ liên quan đến các bệnh tim mạch. Đồng thời lại cấm nghiêm ngặt những thực phẩm giàu dinh dưỡng như các loại đậu, hoa quả, rau có tinh bột và các loại ngũ cốc.

Một số bác sĩ cũng cho rằng ăn nhiều thịt khiến bụng khó chịu và tác động không tốt đến chức năng gan và thận. Nếu ăn theo chế độ keto có thể khiến cơ thể thiếu chất natri, kali, magiê, canxi, vitamin và chất xơ, tăng nguy cơ bị bệnh xương, tim mạch và thận.

Cách đây không lâu 3 bác sĩ đã xuất bản một bài báo trên tạp chí y học của Mỹ cảnh báo về việc xem chế độ ăn keto như một cách điều trị béo phì và tiểu đường.

Họ dẫn chứng một số nghiên cứu cho thấy nó mang lại ít hiệu quả hơn so với chế độ ăn ít chất béo để kiểm soát đường huyết. Và nó có thể gây ra một số tác dụng phụ như táo bón, mệt mỏi và trong một số trường hợp làm tăng cholesterol LDL, một yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. 

 “Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất của chế độ ăn keto thường bị bỏ qua là chi phí cơ hội của việc không ăn chất xơ. Ngũ cốc nguyên hạt, hoa quả và các loại đậu thuộc nhóm thực phẩm tốt nhất trên hành tinh này. Chúng không phải là nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường tuýp 2 hay béo phì. Vì thế việc kiêng chúng có thể gây hại”, các tác giả viết.

Tiến sĩ Shivam Joshi, đồng tác giả của bài báo trên cho biết bài viết của họ đã nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau. Một vài bày tỏ sự khen ngợi và ủng hộ, trong khi một số lại lên án.

Thực tế là một trong những lợi ích của việc hạn chế tinh bột là lượng đường trong máu được duy trì ổn định sau bữa ăn, từ đó giúp giảm lượng insulin, một loại hormone khiến bạn tăng cân, tiến sĩ David Ludwig, một bác sĩ nội tiết tại Trường Y Harvard, Mỹ cho biết. Trong một loạt nghiên cứu tiến hành trong nhiều năm, chuyên gia này nhận thấy chế độ ăn ít tinh bột giúp cơ thể đốt cháy nhiều năng lượng hơn và giảm nhiều cân hơn so với chế độ ăn ít chất béo.

Tiến sĩ Steven B. Heymsfield, Trung tâm nghiên cứu Y sinh Pennington, Mỹ đưa ra một số lời khuyên với những ai muốn thử chế độ ăn keto. Cụ thể, hạn chế những thực phẩm giàu chất béo bão hòa như bơ, thịt và pho mát, tập trung vào các thực phẩm giàu các chất béo không bão hòa như dầu ô liu, cá biển, các loại hạt, thịt gà và bơ. Đồng thời hãy tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ hoặc một chuyên gia dinh dưỡng và tử hỏi bản thân liệu có sẵn sàng cam kết để theo đuổi một chế độ ăn kiêng lâu dài.

Hà An

Theo The New York Times, Sina

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm