1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bình Định:

Kết quả xét nghiệm mẫu nước trong vụ gần 400 người bị ngộ độc

Doãn Công

(Dân trí) - Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường vừa có báo cáo kết quả xét nghiệm các mẫu nước liên quan đến vụ gần 400 người dân, học sinh ở huyện Tây Sơn (Bình Định) bị cùng triệu chứng nôn ói, đau đầu.

Ngày 23/3, Sở Y tế tỉnh Bình Định cho biết, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường vừa có báo cáo kết quả xét nghiệm các mẫu nước liên quan đến vụ gần 400 người dân, học sinh ở huyện Tây Sơn (Bình Định) bị nôn ói nghi do dùng chung nguồn nước máy tại địa phương này.

Kết quả xét nghiệm mẫu nước trong vụ gần 400 người bị ngộ độc - 1
Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Tây Sơn (Bình Định) khám cho bệnh nhi ở xã Bình Tường có biểu hiện nôn ói như 383 người dân khác.

Theo đó, các mẫu nước được lấy tại Nhà máy nước Bình Tường - Vĩnh An và mẫu nước cuối vòi tại một số hộ gia đình, trong các trường có học sinh bị bệnh tại 2 xã Bình Tường, Vĩnh An đều có nồng độ clo dư tự do thấp hơn ngưỡng giới hạn cho phép; không phát hiện vi khuẩn gây bệnh đường ruột; xét nghiệm vi sinh vật có giá trị trong giới hạn cho phép theo QCVN 01-1:2018/BYT.

Ngoài ra, kết quả xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định, các thông số xét nghiệm Vi sinh vật có giá trị trong giới hạn cho phép theo QCVN 01-1:2018/BYT.

Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định cho biết: "Qua phân tích chất lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt của địa phương, 99 thông số theo QCVN 01-1:2018 và vi khuẩn gây bệnh đường ruột của mẫu nước thành phẩm Nhà máy nước Bình Tường - Vĩnh An và mẫu nước hộ dân trong mạng lưới phân phối của nhà máy, hiện tại không phát hiện nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Tất cả đều trong giới hạn cho phép".

Theo điều tra dịch tễ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định, hầu hết người dân tại 2 xã Bình Tường và Vĩnh An sử dụng nguồn nước cấp tập trung từ nhà máy nước Bình Tường - Vĩnh An (tại Làng Kon Giọt 1, xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn).

Qua ghi nhận nguồn thực phẩm, không có nguồn thức ăn khác lạ và chưa phát hiện thức ăn chung ở những người bị bệnh. Môi trường trong và xung quanh trường học và các hộ gia đình điều tra, tại địa phương không có cơ sở sản xuất, nhà máy hoạt động, không có tổ chức các hoạt động gì bất thường.

Tại nhà máy nước Bình Tường cũng chưa phát hiện gì bất thường ở khu vực đầu nguồn lấy nước và khu vực nhà máy.

Nhà máy có xét nghiệm nội kiểm định kỳ do Trung tâm nước sạch thực hiện nhưng không có gửi mẫu đến phòng xét nghiệm độc lập để xét nghiệm.

Theo ông Hùng, Sở Y tế tỉnh Bình Định đề nghị Trung tâm Y tế huyện Tây Sơn tiếp tục giám sát phát hiện các trường hợp bệnh tương tự tại địa phương, tổ chức khám bệnh và làm một số xét nghiệm phù hợp với triệu chứng bệnh để có gợi ý chẩn đoán nguyên nhân.

Ngoài ra, Trung tâm Y tế huyện Tây Sơn cần phải theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe, bệnh tật của người dân; hướng dẫn người dân đến cơ sở y tế kịp thời nếu trường hợp bệnh nặng nhằm hạn chế các biến chứng.

Tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng, ban ngành tại địa phương tổ chức điều tra mở rộng toàn diện các yếu tố khác để tìm nguyên nhân như: thực phẩm, không khí, vấn đề sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật... Đồng thời, tuyên truyền để người dân thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, vệ sinh ăn uống. Thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã.

Trước đó, Dân trí đã thông tin, những ngày qua, 383 học sinh, người dân ở 2 xã Bình Tường và Vĩnh An (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) đều có chung các biểu hiện đau bụng, buồn nôn, đau đầu nhẹ. Trong đó, có 9 em học sinh được gia đình đưa đến TTYT huyện để điều trị. Sau khi xảy ra vụ việc, chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã vào cuộc điều tra.