Kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung bằng AI ở xã đảo TPHCM

Hoàng Lê

(Dân trí) - Ngày 9/11, Sở Y tế TPHCM vừa công bố kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung bằng công nghệ AI lần đầu tiên cho 133 phụ nữ tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ.

Theo đó, mới đây Sở Y tế TPHCM đã tổ chức chương trình khám, tư vấn, tầm soát bệnh lý ung thư cổ tử cung cho người dân tại Trạm y tế xã Thạnh An (huyện Cần Giờ) do các y, bác sĩ của Bệnh viện Hùng Vương đảm trách.

Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam, một kỹ thuật soi cổ tử cung có AI giúp phát hiện và tầm soát ung thư được triển khai ngay tại trạm y tế xã.

Chương trình đã thu hút 133 phụ nữ đến khám, sàng lọc. Bên cạnh đó, người dân còn được các y bác sĩ tư vấn những biện pháp phòng bệnh ung thư cổ tử cung, nhất là hướng dẫn chăm sóc sức khỏe sản phụ khoa.

Kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung bằng AI ở xã đảo TPHCM - 1

Nhiều phụ nữ xã đảo Thạnh An đi sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng công nghệ mới (Ảnh: SYT).

Khác với phương pháp Pap smear (phết tế bào cổ tử cung) phải chờ vài ngày, công nghệ tầm soát mới CerviCare AI (soi cổ tử cung từ xa) sẽ thông báo kết quả ngay khi nhận được hình ảnh.

Tất cả 133 phụ nữ xã đảo đến tầm soát đều rất vui khi được chẩn đoán không có dấu hiệu của bệnh lý ung thư cổ tử cung.

Chị Nguyễn Thị Bình, một người dân đi tầm soát chia sẻ, bản thân thấy an tâm, tin tưởng hơn khi có sự hỗ trợ từ kỹ thuật hiện đại đi kèm trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc giúp phát hiện sớm bệnh lý để điều trị kịp thời.

Trước đó theo kế hoạch, các y bác sĩ sẽ khám, tầm soát ung thư cổ tử cung miễn phí cho 152 phụ nữ tại xã đảo Thạnh An. Nếu kết quả nghi ngờ bệnh lý, người dân sẽ được mời về Bệnh viện Hùng Vương để tiếp tục khám chuyên sâu, từ đó có kế hoạch can thiệp, điều trị và theo dõi cụ thể.

Kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung bằng AI ở xã đảo TPHCM - 2

Hệ thống TeleCervicography được vận chuyển đến Trạm Y tế xã Thạnh An để tầm soát ung thư cổ tử cung cho người dân (Ảnh: SYT).

Kỹ thuật CerviCare AI được thực hiện nhờ hệ thống TeleCervicography. CerviCare AI được đào tạo trên một tập dữ liệu lớn gồm hơn 100.000 hình ảnh cổ tử cung, bao gồm cả hình ảnh bình thường và hình ảnh bất thường.

Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng của Cơ quan kiểm nghiệm thuốc và thực phẩm Hàn Quốc (KFDA), CerviCare AI có thể phát hiện ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm với độ chính xác đến 98%. 

Bệnh viện tuyến quận, huyện có nhiều khoa được chuẩn hóa quốc tế

Ngày 9/11, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) đã tổ chức lễ đón nhận tiêu chuẩn ISO (các quy tắc được chuẩn hóa quốc tế) cho các khoa Khám bệnh theo yêu cầu, khoa Hóa sinh - Huyết học truyền máu và khoa Vi sinh.

Cụ thể, các khoa Vi sinh và Hóa sinh - Huyết học truyền máu được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn ISO 15189:2012 về hệ thống quản lý phòng xét nghiệm chuyên ngành trong lĩnh vực y tế. Còn khoa Khám bệnh theo yêu cầu được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn ISO 9001:2015 (tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý chất lượng).

Ngoài ra, khoa Thận nhân tạo của bệnh viện cũng được đánh giá, giám sát tiêu chuẩn ISO 9001:2015 từ ngày 25/5 và đã đạt chuẩn này.

Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, trong nhiều năm qua, bệnh viện đã triển khai việc hoạt động theo tiêu chuẩn ISO ở các khoa phòng, tiến hành cải cách các thủ tục hành chính, chuẩn hóa các công việc từ mua sắm, cung ứng đến quy trình chuyên môn kỹ thuật, để phục vụ tốt nhất cho người bệnh.

Việc được cấp chứng nhận tiêu chuẩn ISO giúp quy trình làm việc của bệnh viện chuẩn hóa hơn, uy tín đơn vị tăng hơn. Từ đó, người dân cũng tin tưởng, tìm đến đây khám chữa bệnh nhiều hơn.

"Khi được cấp chứng nhận rồi, làm sao để duy trì chuẩn đó cũng rất khó", bác sĩ Khanh nhận định và lưu ý các nhân viên bệnh viện cần nỗ lực để giữ vững, nâng cao các tiêu chuẩn đã đạt được.