Kẹo mút, chocolate cần sa “bủa vây” mạng xã hội: Sử dụng ma túy chỉ với 40.000 đồng?
(Dân trí) - Chỉ bằng một vài từ khóa tìm kiếm đơn giản, bất kì người dùng mạng xã hội nào, đương nhiên trong đó có cả trẻ em, đều có thể mua các loại đồ ăn, thức uống có chứa cần sa và được vận chuyển tận nhà chỉ với vài chục ngàn đồng.
Sử dụng ma túy chỉ với số tiền chưa tới 40.000 đồng?
Chỉ với khoảng 40.000 đồng bất kì ai cũng có thể mua một cây kẹo mút được quảng cáo là có chứa chiết xuất cần sa và được vận chuyển đến ngay tận nhà. Chịu chi hơn, bạn chỉ cần bỏ ra trên dưới 250.000 đồng để mua một thanh chocolate cần sa.
Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và thương mại điện tử, có lẽ chưa bao giờ người Việt lại có thể dễ dàng tiếp cận với ma túy như ở thời điểm hiện tại. Chỉ bằng một vài từ khóa tìm kiếm đơn giản, bất kì ai, trong đó có cả trẻ em, đều có thể tiếp cận với những địa chỉ có bán các hình thức biến tướng của cần sa, dưới dạng đồ ăn, thức uống thông thường.
Theo tìm hiểu của Phóng viên, sản phẩm được bày bán chủ yếu ở những trang này là chocolate, kẹo mút cần sa. Ngoài ra, để phục vụ “tận tình” cho nhu cầu của các thượng đế, không ít trang bán hàng còn mở thêm cả dịch vụ đặt hàng trực tiếp từ nước ngoài và trả hàng tận nhà chỉ trong một tuần lễ. Với phương thức này, khách hàng có thể tha hồ lựa chọn đủ các loại đồ ăn, thức uống, thậm chí là có những sản phẩm dùng hàng ngày có chứa “chất cấm”.
Theo lời quảng cáo của chủ shop, những sản phẩm này chứa rất ít cần sa, chỉ gây kích thích thần kinh ở cấp độ nhẹ như việc uống rượu/bia, hút thuốc nên khách hàng có thể an tâm là “không gây nghiện.”
Sự nguy hiểm của các loại hình biến tướng của cần sa
Nhận định về các sản phẩm cần sa biến tướng này, Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khẳng định: “Cần sa là ma túy, dù được biến tướng dưới dạng nào thì vẫn là chất cấm và gây nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng”.
Chuyên gia này cũng cảnh báo rằng, đặc điểm chung của các loại ma túy là gây nghiện, buộc người dùng phải tăng dần liều lượng sử dụng. Do đó, dù các sản phẩm này chỉ chứa một lượng rất nhỏ cần sa thì cũng gây hiệu ứng “lũy tiến” như bất kỳ sản phẩm ma túy nào khác.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia đã từng tiếp nhận rất nhiều ca bệnh liên quan đến ma túy, BS. Nguyễn Trung Nguyên đặt ra nghi vấn: “Không loại trừ trường hợp, các loại bánh kẹo được quảng cáo chứa cần sa nhưng lại không có cần sa, mà thay bằng một loại ma túy khác nguy hiểm hơn, cùng với đó là hàng loạt các chất độc hại được thêm vào. Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã từng tiếp nhận nhiều ca ngộ độc do sử dụng các loại ma túy như vậy, thậm chí có trường hợp mới thử lần đầu tiên. Hầu hết các bệnh nhân khi nhập viện đều trong tình trạng nguy kịch như: vật vã, kích động, co giật, rối loạn tâm thần, rối loạn nhịp tim.”
“Đã là ma túy thì không được thử dù chỉ một lần” – BS. Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh.
Không chỉ có các trang chuyên bán hàng, trên mạng xã hội còn có đủ thể loại hội nhóm để trao đổi, mua bán các sản phẩm cần sa biến tướng này. Thậm chí, các thành viên chủ chốt còn thường xuyên đăng tải những thông tin sai lệch, được “bóp méo” một cách tinh vi để cổ súy cho việc sử dụng các sản phẩm từ cần sa hay nguy hiểm hơn là kích động việc hợp pháp hóa cần sa ở Việt Nam . Chiêu trò được sử dụng chủ yếu là “tung hô” các tác dụng về mặt sức khỏe của loại chất cấm này, đồng thời khai thác về vấn đề một số quốc gia đã cho phép sử dụng cần sa trong lĩnh vực y tế.
BS.Nguyễn Trung Nguyên lý giải: “Một số ít các nước hiện nay cho phép sử dụng cần sa trong lĩnh vực y tế dưới dạng các chế phẩm. Tuy nhiên cần khẳng định rằng, được sử dụng trong y tế không đồng nghĩa là sử dụng cần sa một cách tự do, phục vụ cho mục đích giải trí là hợp pháp. Đối với các nước cho phép sử dụng cần sa trong lĩnh vực y tế, đều có sự kiểm soát rất chặt chẽ từ khâu sản xuất cho đến chỉ định sử dụng, chứ không có chuyện cần sa được phép mua bán, sử dụng tràn lan bên ngoài."
Minh Nhật