“Kéo dài” đôi chân cong như rễ cây giúp "Hoàng tử ếch" đi lại được sau 28 năm
(Dân trí) - Chàng thanh niên 28 tuổi ở Nam Định vẫn ngỡ mình đang trong mơ, khi mà đôi chân cong queo như rễ cây của cậu được "uốn thẳng" như người bình thường. 28 năm qua, cậu mang đôi chân dị dạng ấy, không thể tự đi lại, không dám mơ một ngày có đôi chân bình thường.
Từ khi sinh ra, Nguyễn Mạnh Hùng (28 tuổi ở Nam Định) đã có một đôi chân đặc biệt, nhiều người ví chân cậu "rễ cây" vì uốn cong, vẹo vọ. Với đôi chân này, Hùng đã bỏ qua tất cả giai đoạn tập đi của một đứa trẻ, hay đi lại được của một người trưởng thành.
Bị từ bẩm sinh, Hùng cũng được gia đình đưa đi khám nhiều nơi nhưng các bác sĩ cũng không hiểu sao cậu lại có một đôi chân dị dạng đến... không thể hiểu nổi. Cậu được ví như một "Hoàng tử ếch" vì cậu di chuyển như một chú ếch.
Cách đây 8 tháng, Hùng bị gãy chân và vào BV Trung ương Quân đội 108 điều trị. Đại tá, GS.TS Nguyễn Thế Hoàng, Phó Giám đốc BV trung ương Quân đội 108 chia sẻ, khi nhìn thấy đôi chân của Hùng, các bác sĩ đều rất kinh ngạc vì một dị dạng đến khó tin khiến chân của chàng thanh niên này cong queo như rễ cây.
Các bác sĩ đã cùng thảo luận, mong muốn tìm ra một phương pháp điều trị để có thể kéo thẳng cặp chân cong đó.
"Tuy nhiên, hình ảnh X- quang cho thấy đôi chân bệnh nhân bị biến dạng rất phức tạp. Do chân cong queo nên ngay cả cấu trúc phần mềm cũng chỗ căng, chỗ trùng, mạch máu thần kinh chỗ dài, chỗ ngắn. Nếu nắn chỉnh, đây sẽ là thách thức rất lớn về trục xương, phần mềm. Nếu như nắn chỉnh không tốt, mạch máu thần kinh căng có thể dẫn đến hoại tử, thậm chí không thể đi lại được", GS Hoàng nói.
Nhưng với quyết tâm giúp chàng thanh niên thực hiện bằng được giấc mơ đi được những bước đầu tiên ở tuổi 28,Trung tướng, GS.TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc BV Trung ương Quân đội 108 đã động viên, khuyến khích các bác sĩ làm hết sức có thể để giúp bệnh nhân.
Với quyết tâm của cả bệnh nhân, thầy thuốc, cuối cùng các bác sĩ cũng đã tìm ra được phương pháp hiện đại để có thể chỉnh, kéo thẳng chân cho Hùng. Các bác sĩ đã chỉnh trục, vi phẫu, tái tạo mạch máu… để chỉnh đôi chân cho Hùng. Nhưng sau khi chỉnh xong chân trái, các bác sĩ phát hiện chân phải ngắn hơn chân phải đến 20cm. Với độ chênh quá lớn như thế này, bệnh nhân sẽ không thể tự đi lại trên đôi chân của mình.
GS Hoàng và các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định sử dụng kỹ thuật kéo dài chi thể. Sau 8 tháng, trải qua 3 lần phẫu thuật, hiện giờ hai chân bệnh nhân bằng nhau hoàn toàn, có cảm giác, co duỗi hai chân tốt và bệnh nhân sẽ được tập hồi phục chức năng để có thể đi lại được.
Tự đứng trên đôi chân của mình, Hùng tin rằng chỉ một thời gian ngắn em có thể bước đi "dài hơi" thay vì những bước ngắn đang tập như hiện nay. Chàng thanh niên đôi khi vẫn ngỡ như mơ khi nhìn thấy cặp chân thẳng thay thế cho đôi chân cong queo như trước đây.
Hồng Hải