Kể cả người không hút thuốc cũng có thể mắc ung thư phổi vì những nguyên nhân này
(Dân trí) - Ngay cả những người không hề hút thuốc lá cũng không được chủ quan với căn bệnh ung thư phổi, bởi bên cạnh khói thuốc, còn có nhiều tác nhân gây bệnh khác luôn thường trực như: ô nhiễm không khí, phóng xạ hay thậm chí là vấn đề về di truyền.
Khí radon
Một trong những nguyên nhân gây ung thư phổi ở những người không hút thuốc chính là phơi nhiễm với khí radon. Được biết, khí radon vẫn liên tục phát sinh ngoài thiên nhiên nhưng với nồng độ không gây hại đến cơ thể con người. Tuy nhiên, nồng độ khí radon đôi lúc lại bị đậm đặc hóa, ở trong những ngôi nhà được xây dựng ngay trên mỏ uranium tự nhiên.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người sinh sống trong những ngôi nhà bị nhiễm khí radon có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn bình thường. Một vấn đề khác là khí radon không thể nhìn hay ngửi thấy, do đó cách duy nhất để xác định xem ngôi nhà của bạn có đang bị nhiễm loại khí này hay không chính là phân tích mẫu khí.
Hút thuốc gián tiếp
Tại một quốc gia có tỉ lệ người hút thuốc lá cao như Việt Nam, đương nhiên hút thuốc gián tiếp cũng sẽ trở thành một trong những nguyên nhân gây ung thư phổi hàng đầu, với những người không hút thuốc. Theo thống kê, ở nước ta có đến 67,6% người không hút thuốc bị phơi nhiễm với khói thuốc tại nhà và 49% phơi nhiễm tại nơi làm việc. Cần biết rằng, trong khói thuốc lá có ít nhất 40 chất có khả năng gây ung thư.
Tại Việt Nam, gánh nặng bệnh tật do sử dụng thuốc lá rất đáng báo động. Tổ chức y tế thế giới cho rằng, mỗi năm nước ta có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến sử dụng thuốc lá. Nghiên cứu của Bệnh viện K cũng cho thấy, 96,8% bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá.
Các tác nhân gây ung thư tại nơi làm việc
Không ít người bị phơi nhiễm với các tác nhân gây ung thư như asen, asbestos và khí thải xăng dầu ngay tại nơi làm việc. Vấn đề này thực sự nghiêm trọng với những người phải làm việc trong môi trường có chất lượng nguồn nước và không khí thấp ví dụ như: công trường, gần các trục đường giao thông…
Ô nhiễm không khí
Sự phát triển kinh tế nhanh chóng cũng kéo theo những vấn đề về chất lượng không khí, đặc biệt là tại các khu đô thị lớn. Theo chuyên gia, các tác nhân gây ô nhiễm đặc trưng có trong môi trường không khí đô thị ở nước ta bao gồm: bụi, CO, SO2, NO2, sản phẩm từ xăng dầu như styren, toluen, benzen. Việc phơi nhiễm với các tác nhân này trong thời gian dài đều gây ra tác động xấu đến tình trạng sức khỏe mà trước hết chính là hệ hô hấp. Vấn đề càng nghiêm trọng hơn khi đối tượng bị tác động thuộc nhóm nhạy cảm như: người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc bệnh mãn tính. Đặc biệt styren, toluen, benzen đều là các tác nhân có thể gây ung thư.
Đột biến gen
Kết quả nghiên cứu của nhà khoa học Ping Yang, Đại học Y Mayo (Mỹ) cùng cộng sự đã chỉ ra rằng, sự biến đổi của gen có tên GPC-5 có thể dẫn tới nguy cơ ung thư phổi rõ ràng, ở những người chưa bao giờ chạm vào thuốc lá. Cụ thể, khi kiểm tra các mẫu ADN từ 754 người chưa bao giờ hút thuốc, kết quả cho thấy ở bệnh nhân bị ung thư tuyến (dạng bệnh phổ biến nhất trong ung thư phổi) có nồng độ GPC-5 thấp hơn so với tế bào phổi bình thường là 50%. Điều này đồng nghĩa với việc, sự suy giảm của GPC-5 có thể là đặc trưng của bệnh ung thư tuyến ở những người không hút thuốc.
Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn đang tích cực đi sâu tìm hiểu về những nguyên nhân khiến tế bào khỏe mạnh trở thành tế bào ung thư, và cả sự khác nhau của tế bào ung thư phổi giữa người hút thuốc và không hút thuốc
Minh Nhật
Theo Cancer.org