Hy hữu: Hạt thóc "chui" vào trong bàng quang bé gái hơn 2 tuổi

(Dân trí) - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai mới đây đã tiến hành nội soi xác định và gắp  thành công một hạt thóc bên trong bàng quang của bé gái M. B. N. 26 tháng tuổi ra ngoài cơ thể an toàn.

Thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa cấp II Nguyễn Văn Hải, cán bộ Khoa Ngoại - Tiết niệu (Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai) cho biết: Theo người nhà bệnh nhân kể lại, cháu M. B. N. nhà ở xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà ( tỉnh Lào Cai ) chơi ở sân khi mẹ cháu đang phơi thóc, khi thấy bé khóc kêu đau vùng niệu đạo, sinh dục, gia đình đưa ngay đến phòng khám khu vực Bảo Nhai ( huyện Bắc Hà) đế gắp hạt thóc nhưng không kết quả.

Khi gia đình đưa cháu vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai cháu không sốt nhưng mỗi lần cháu đi tiểu tiện thì người khó chịu đau buốt, nước tiểu không có máu, cháu luôn bồn chồn, ăn kém, ngủ chập chờn không yên.

Bệnh nhân M. B. N. được làm các xét nghiệm, siêu âm bụng, bàng quang và chụp X-quang hệ tiết niệu không chuẩn bị nhưng không xác định được hình ảnh dị vật. Hội chẩn chuyên môn của bệnh viện cho rằng với khả năng có dị vật trong bàng quang hoặc trong âm đạo nên bác sĩ đã quyết định nội soi cấp cứu để xác định và gắp dị vật ra ngoài cơ thể cho bệnh nhân.

Quá trình soi phải rất thận trọng, sử dụng ống soi niệu quản vì đường niệu đạo của trẻ nhỏ rất dễ bị tổn thương. Sau khoảng 30 phút thực hiện, các bác sĩ khoa Ngoại Tiết niệu đã xác định và lấy ra được hạt thóc trong bàng quang cho bệnh nhân M. B. N. mà không xảy ra tai biến, biến chứng nào.

Bác sĩ chuyên khoa cấp I Nguyễn Thị Hà Giang, Phó khoa Chẩn đoán hình ảnh của Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai nhận định đây là trường hợp rất hiếm gặp. Hạt thóc có kích thước nhỏ, độ cản quang, cản âm kém nên rất khó xác định qua siêu âm, chụp X-quang thông thường.

Hy hữu: Hạt thóc chui vào trong bàng quang bé gái hơn 2 tuổi - 1

Hình ảnh hạt hóc qua nội soi bàng quang xác định và sau khi được lấy ra (Ảnh Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai)

Về kỹ thuật nội soi, đây là một kỹ thuật xâm lấn tối thiểu vừa xác định chẩn đoán vừa kết hợp điều trị. Nhờ có ống soi niệu quản với kích thước nhỏ 7,5 Fr và ống kính nghiêng 30nên thực hiện soi tìm thấy và lấy ra được hạt thóc nhẹ nổi phía vòm, khoảng vị trí 12h gần phía cổ bàng quang là vị trí khó quan sát nếu chỉ có ống kính thẳng 00.

Nhờ có phương tiện kỹ thuật hiện đại, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai đã nội soi can thiệp thành công cho bệnh nhân M. B. N. và đã được xuất viện sau 2 ngày điều trị. 

Bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai lưu ý cho các bậc cha mẹ khi cho trẻ vui chơi cần đảm bảo an toàn cho các cháu tránh để sự cố hy hữu đáng tiếc xảy ra như trường hợp hạt thóc chui vào bàng quang của bệnh nhân nhỏ tuổi M. B. N. nêu trên.

                                          Phạm Ngọc Triển