1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hiếm gặp:

Hy hữu ca bệnh bẩm sinh rò khí quản vào đường mật

(Dân trí) - Lần đầu tiên gặp tại Việt Nam, các bác sĩ phát hiện trường hợp bệnh nhi bị rò khí quản vào đường mật. Đây là bệnh lý rất hiếm gặp, hình thành trong giai đoạn bào thai, chưa rõ nguyên nhân.

Đó là trường hợp bé gái 2 tháng tuổi, ngụ tại Gia Lai. Sau sinh bé bị vàng da, viêm phổi, nằm điều trị hơn 2 tuần tại bệnh viện địa phương. Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe ngày càng diễn tiến xấu, bé bị ói dịch vàng, viêm phổi, suy hô hấp nên bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 điều trị.

Tại đây, bệnh nhi được chụp thực quản - dạ dày cản quang nhưng không ghi nhận bất thường, việc điều trị nội khoa không đáp ứng.

Bệnh nhi đã may mắn thoát chết sau khi bác sĩ phát hiện bệnh hiếm, can thiệp kịp thời
Bệnh nhi đã may mắn thoát chết sau khi bác sĩ phát hiện bệnh hiếm, can thiệp kịp thời

Bệnh nhi bị viêm phổi nhiễm trùng bội nhiễm, suy hô hấp tăng. Trước tình trạng bệnh nhi nhiều lần ói ra nhớt trong có lẫn dịch vàng, bác sĩ nghi ngờ trẻ bị dị dạng thông nối đường hô hấp và đường tiêu hóa nên tiến hành cho chụp CT scan ngực thì phát hiện điểm rò đường mật - khí quản (nơi khí quản chia đôi vào phế quản trái và phải). Sau khi bơm thuốc cản quang vào lỗ rò và chụp X-quang bác sĩ ghi nhận thuốc theo đường rò đi từ khí quản vào đường mật, túi mật và tá tràng.

Sau hội chẩn liên chuyên khoa, tìm hiểu y văn thế giới các bác sĩ xác định bệnh nhân đang trong tình trạng nặng, nguy cơ tử vong nên quyết định phẫu thuật khẩn. Ê kíp phẫu thuật đã tiến hành cắt, khâu đầu trên đường rò và khâu, cột đầu dưới đường rò sát trên cơ hoành. Ca phẫu thuật đã diễn ra thành công, ngày 14/8, BS Trần Thanh Trí, khoa Ngoại tổng hợp cho biết, sau cuộc mổ, sức khỏe của bệnh nhi đã cải thiện khả quan.

Thông tin chuyên môn từ BS Thanh Trí cho hay, theo y văn thế giới rò khí quản vào đường mật là bệnh rất hiếm gặp. Đây là bệnh lý hình thành từ lúc bào thai, chưa tìm được nguyên nhân. Đến nay thế giới mới chỉ ghi nhận khoảng 40 trường hợp mắc bệnh lý trên, các báo cáo cho thấy việc chẩn đoán bệnh rất khó khăn. Nếu trẻ được phát hiện, phẫu thuật kịp thời, sẽ cho kết quả tốt. Ngược lại, trẻ sẽ bị viêm phổi nặng, phẫu thuật gây mê khó khăn, nguy cơ tử vong cao.

Từ trường hợp trên, bác sĩ lưu ý: khi trẻ nhỏ viêm phổi kéo dài, kém đáp ứng điều trị, cần nghi ngờ những bất thường bẩm sinh đường thở, gia đình nên đưa các bé đến cơ sở y tế để được tầm soát và điều trị. Hiện nay, việc chẩn đoán bệnh bằng xét nghiệm hình ảnh học và nội soi hô hấp ở trẻ nhỏ tuổi, nhẹ cân trong nhi khoa đã tiến bộ, giúp phát hiện ngày càng sớm các dị tật này ở trẻ.

Vân Sơn