1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hy hữu bệnh nhân bị vỡ túi giả phình động mạch chủ nguy hiểm

(Dân trí) - Sau nhiều ngày đau bụng dữ dội, sốt cao, rét run, mất ngủ, không ăn dẫn đến sụt cân, suy kiệt, các bác sĩ mới phát hiện trực khuẩn đã tấn công khối phình động mạch chủ, gây thủng và tạo giả phình động mạch chủ chậu trái. Điều đáng nói, bệnh nhân Hình bị căn bệnh rất hiếm gặp trong y khoa khi bị vỡ túi giả phình động mạch chủ chậu do vi khuẩn Whitmore tấn công gây áp xe, hoại tử mạch.

Ngày 4/8, bệnh nhân bước vào ca đại phẫu. Ngay trước khi lên bàn phẫu thuật theo kế hoạch thì bệnh nhân bị vỡ bục khối giả phình. Bệnh nhân được chuyển phẫu thuật cấp cứu tối khẩn để bảo toàn mạng sống.
Ngày 4/8, bệnh nhân bước vào ca đại phẫu. Ngay trước khi lên bàn phẫu thuật theo kế hoạch thì bệnh nhân bị vỡ bục khối giả phình. Bệnh nhân được chuyển phẫu thuật cấp cứu tối khẩn để bảo toàn mạng sống.

Theo bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An, trước đó vào đầu tháng 7/2017, ông Vi Ngọc Hình (47 tuổi, trú tại Qùy Hợp (Nghệ An), xuất hiện những cơn đau bụng dữ dội, quằn quại; đau nhiều vùng hố chậu trái và thắt lưng, sốt cao gần 40 độ, rét run kéo dài không giảm.

Cơn đau dày vò và dai dẳng khiến bệnh nhân không thể ăn, đi kèm mất ngủ triền miên nên bệnh nhân bị sụt cân và suy kiệt. Dù đã điều trị tại cơ sở y tế tuyến huyện nhưng bệnh tình không đỡ.

Ngày 31/7, bệnh nhân được chuyển tuyến tới bệnh viện HNĐK Nghệ An và lập tức được chỉ định làm kháng sinh đồ để xác định nguyên nhân gây sốt kéo dài.

Qua thăm khám, bác sỹ phát hiện vùng hố chậu trái có khối phình đập theo nhịp tim. Đồng thời, hình ảnh siêu âm và chụp phim cắt lớp vi tính xác định: động mạch chậu gốc trái có vị trí vỡ vào khoang sau phúc mạc tạo thành túi giả phình kích thước 38x40mm.

Cuộc hội chẩn giữa Ban giám đốc và các khoa liên quan đi đến chẩn đoán cuối cùng: bệnh nhân bị nhiễm trực khuẩn Gram âm Burkholderia Pseudomallei (bệnh Whitmore). Trực khuẩn tấn công khối phình động mạch chủ gây nhiễm trùng, từ đó gây thủng mạch và tạo nên túi giả phình động mạch chủ chậu trái.

Túi giả phình động mạch chủ chậu kích thước 38x40mm của bệnh nhân Hình.
Túi giả phình động mạch chủ chậu kích thước 38x40mm của bệnh nhân Hình.

Tiên lượng bệnh nhân rất nặng. Dù đã được Ban giám đốc bệnh viện trực tiếp khuyên chuyển tuyến trên, nhưng gia đình bệnh nhân vẫn nhất quyết xin ở lại điều trị tại bệnh viện HNĐK Nghệ An.

Quyết tâm cứu bệnh nhân bằng mọi cách để không phụ sự tin tưởng của gia đình, các chuyên ngành Ngoại nồng ngực, Gây mê hồi sức, Xét nghiệm, Dược lâm sàng hội chẩn kỹ càng ca bệnh và quyết định phẫu thuật cứu bệnh nhân. Đồng thời, bệnh viện HNĐK Nghệ An liên hệ chuyên gia phẫu thuật mạch máu đầu ngành từ BV Bạch Mai và BV Việt Đức để nhận được sự tư vấn phương án và thời điểm mổ phù hợp.

Ngày 4/8, bệnh nhân bước vào ca đại phẫu tối khẩn do ngay trước khi lên bàn phẫu thuật theo kế hoạch, bệnh nhân bị vỡ bục khối giả phình.

“Trong ổ bụng bệnh nhân có rất nhiều máu loãng chảy ra từ điểm phình vỡ động mạch. Khối phình động mạch chậu gốc trái rất lớn, chiếm toàn bộ nửa dưới ổ bụng.

Chúng tôi nhanh chóng tìm và thắt động mạch chủ bụng dưới thận ở vị trí càng cao càng tốt, đồng thời thắt động mạch chậu 2 bên để cô lập khối nhiễm trùng. Mở khối phình động mạch chậu gốc trái vỡ, êkip phẫu thuật loại bỏ toàn bộ tổ chức hoại tử và đặt 3 ống dẫn lưu.

Điều khó khăn nhất ở bệnh nhân này là không thể thay đoạn mạch nhân tạo chữ Y như các bệnh nhân vỡ phình động mạch chủ bụng - chậu khác, bởi nguy cơ bục miệng nối và bệnh nhân tử vong là rất cao.

Bệnh nhân Vi Ngọc Hình, 47 tuổi, trú tại Qùy Hợp (Nghệ An) điều trị tại khoa Ngoại lồng ngực 2 tuần qua đã được xuất viện về nhà.
Bệnh nhân Vi Ngọc Hình, 47 tuổi, trú tại Qùy Hợp (Nghệ An) điều trị tại khoa Ngoại lồng ngực 2 tuần qua đã được xuất viện về nhà.

Vì vậy, một đoạn mạch nhân tạo chạy trong đường hầm ngay dưới da nối thẳng từ động mạch nách xuống động mạch đùi trái; và từ động mạch đùi trái kéo sang đùi phải được chúng tôi lựa chọn triển khai. Cầu nối ngoài giải phẫu này chỉ được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân tối cấp cứu.

Và rất may mắn, ngay khi bắc cầu mạch máu nhân tạo nách - đùi và đùi - đùi, tưới máu ngoại vi của bệnh nhân đã được phục hồi tốt. Trong suốt ca mổ, 3 lít máu và chế phẩm máu được truyền bù cho bệnh nhân”, Thạc sỹ, BS Phạm Văn Chung - Phó khoa Ngoại lồng ngực cho biết.

Sau mổ, bệnh nhân được theo dõi chặt chẽ tại khoa Hồi sức ngoại khoa trước khi chuyển về điều trị tại khoa Ngoại lồng ngực. Ngay sau mổ, tình trạng sốt cao kéo dài của bệnh nhân đã được kiểm soát.

Ngày 16/8, bệnh nhân Vi Ngọc Hình, điều trị tại khoa Ngoại lồng ngực 2 tuần qua đã được xuất viện về nhà.

“Bệnh nhân sức khỏe ổn định, ăn uống được. Với sự tư vấn của Dược lâm sàng, bệnh nhân tiếp tục được dùng kháng sinh liều cao để điều trị Whitmore. Đồng thời, cầu nối nhân tạo xa nên dễ gây tắc. Vì vậy, bệnh nhân được ra viện vào hôm nay nhưng vẫn tiếp tục dùng thuốc chống đông và theo dõi chặt chẽ”- BS Chung chia sẻ thêm.

Hoàng Yến

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm