Hút điều hòa kinh nguyệt không phải là vô hại

Người mẹ dẫn cô con gái tuổi ô mai rụt rè bước vào phòng khám của Bệnh viện phụ sản Trung ương. Kết quả khám cho biết cô bị viêm phần phụ, hậu quả của một lần hút điều hòa kinh nguyệt ở phòng khám tư nhân vì lỡ có thai. Nếu không đi khám kịp thời, rất có thể cô bé sẽ không còn cơ hội làm mẹ.

Hút điều hòa kinh nguyệt (ĐHKN) là một phương pháp đình chỉ thai nghén ngoài ý muốn. Tuy nhiên, đây không phải là lựa chọn tốt nhất cho sức khỏe của người phụ nữ, đặc biệt là đối với những người muốn áp dụng biện pháp này ở những phòng khám tư nhân, không đầy đủ trang thiết bị.

Theo tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện phụ sản Trung ương, việc hút ĐHKN không tôn trọng chỉ định và chế độ vô khuẩn, tiệt khuẩn rất dễ gây nhiều biến chứng, hay gặp nhất là nhiễm khuẩn (viêm niêm mạc tử cung, viêm phần phụ, viêm dính buồng tử cung), hậu quả lâu dài là thai ngoài tử cung và vô sinh.

Trong hút ĐHKN, bác sĩ dùng bơm hút áp lực chân không cho người chậm kinh dưới 14 ngày, bất kể có thai hay không có thai. Thực tế thì có đến 80% trường hợp hút ĐHKN là có thai. Đối với người rối loạn kinh nguyệt, do hằng tháng niêm mạc trong tử cung bong không tự nhiên, thủ thuật này sẽ hút hết những mảng niêm mạc tử cung và tạo ra một vòng kinh mới. Từ những năm 70 của thế kỷ 20, thủ thuật này đã được áp dụng ở nước ta. Nó là thủ thuật đơn giản, không mấy đau đớn, không phải nong cổ tử cung, không cần dùng thuốc giảm đau. Chính vì thế mà hút ĐHKN nhanh chóng được áp dụng rộng rãi, nhất là vào thời kỳ bùng nổ dân số, khi mà các biện pháp tránh thai hiện đại mới chỉ qua truyền thông chứ chưa có tư vấn.

Cũng chính vì những ưu điểm của thủ thuật mà không ít trường hợp đã có những chỉ định sai. Nếu hút khi thai lớn hơn 14 ngày thì rất dễ sót vì kích thước ống hút chỉ đủ để hút thai ở ngày tuổi theo quy định. Nhiều người thai đã lớn nhưng sợ nạo nên vẫn nói dối để được hút. Ngược lại nếu hút quá sớm, khi tổ chức thai chưa về làm tổ trong tử cung, thì gây ra tình trạng hút rồi mà thai vẫn phát triển (hút gió), dẫn đến chửa ngoài tử cung ngay tại thời điểm đó hoặc sót thai.

Theo các bác sĩ, việc xác định chính xác tuổi thai dưới 14 ngày qua thăm khám lâm sàng rất khó, nhiều khi phải làm siêu âm mới đánh giá được. Ở tuyến cơ sở, rất nhiều nơi còn thiếu trang thiết bị chẩn đoán nên bác sĩ chủ yếu xác định tuổi thai phụ thuộc vào ngày kinh bệnh nhân khai.

Trên thế giới, ống hút chỉ dùng một lần, người bệnh được chẩn đoán chính xác tuổi thai nên rất hiếm xảy ra các biến chứng. Ở nước ta, ống hút thường được dùng lại nhiều lần, đây là những ống nhựa, dài, rất nhỏ, phải ngâm hóa chất nên khó bảo đảm vô khuẩn. Đối với người bệnh, sau hút nhiều khi không dùng kháng sinh, nhất là những cô gái trẻ chưa có chồng (vì phải giấu bạn bè và người thân), hoặc có dùng nhưng không đủ liều nên viêm nhiễm vẫn âm thầm diễn ra.

Theo các chuyên gia sản khoa, bản chất của phương pháp này không phải là yếu tố nguy cơ, vấn đề là ở nhận thức chưa đầy đủ của người bệnh, dụng cụ, nơi thực hiện hút ĐHKN không bảo đảm (nhất là các phòng khám tư nhân). Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho biết, trong các trường hợp đến Bệnh viện phụ sản Trung ương điều trị vô sinh hoặc chửa ngoài tử cung, rất nhiều người đã từng hút ĐHKN, nhiều khi chỉ duy nhất một lần cũng dẫn đến biến chứng.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống