Hướng dẫn từ xa, cứu bệnh nhân nhồi máu não nguy kịch ở vùng núi cao

Hồng Hải

(Dân trí) - Đột ngột xuất hiện tình trạng yếu nửa người trái, đau đầu, nói khó, bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện đa khoa Hà Giang. Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu đa ổ, nguy cơ đột quỵ nhồi máu não.

Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong thời gian qua, 3 ca bệnh nguy kịch, với bệnh cảnh trước đây không thể điều trị ở y tế cơ sở đã được cứu chữa thành công tại Hà Giang.

Trước đó, ngày 5/6, nam bệnh nhân 61 tuổi được đưa đến Bệnh viện đa khoa Hà Giang trong tình trạng đột ngột xuất hiện yếu nửa người trái, đau đầu nhiều, nói khó.

Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu đa ổ. Kết quả chụp cắt lớp vi tính mạch máu não phát hiện tình trạng mảng vữa xơ gây hẹp trên 85% động mạch cảnh trong bên phải.

"Tình trạng bệnh nhân rất nghiêm trọng, nếu không được can thiệp sẽ có nguy cơ tắc hoàn toàn động mạch cảnh trong bên phải gây đột quỵ nhồi máu não, nguy cơ tử vong hoặc tàn phế cao nếu không được can thiệp kịp thời", BS Trần Minh Chương, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang cho biết.

Ngay lập tức, Khoa Chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện đã hội chẩn qua Telehealth với các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai.

Hướng dẫn từ xa, cứu bệnh nhân nhồi máu não nguy kịch ở vùng núi cao - 1

Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hà Giang thực hiện can thiệp cho bệnh nhân (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Các bác sĩ thống nhất phác đồ điều trị đặt stent động mạch cảnh để cứu người bệnh. Các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai đã hướng dẫn từ xa, giúp các bác sĩ tại Hà Giang thực hiện can thiệp cho bệnh nhân.

Sau can thiệp, dòng máu động mạch cảnh trong bên phải được tái thông hoàn toàn, ngăn chặn được tình trạng phát triển gây tắc động mạch.

Một ca bệnh khác, nam bệnh nhân 45 tuổi đột ngột xuất hiện đau đầu nhiều, hoa mắt, chóng mặt. Tại Bệnh viện đa khoa Hà Giang, bệnh nhân được chẩn đoán xuất huyết dưới nhện do vỡ phình động mạch não vị trí động mạch thông trước.

Bệnh nhân được chỉ định can thiệp nút túi phình bằng vòng xoắn kim loại, sau can thiệp bệnh nhân ổn định.

Ca thứ 3 là can thiệp nội mạch nút búi trĩ cho bệnh nhân nữ 74 tuổi, có tiền sử trĩ nhiều năm. Bệnh nhân bị búi trĩ lòi ra ngoài nhiều gây chảy máu khó khăn trong việc đại tiện. Sau khi thăm khám và hội chẩn, bệnh nhân được tiến hành can thiệp nút mạch búi trĩ. Sau can thiệp, bệnh nhân không cần phải nằm bất động, có thể đi lại nhẹ nhàng, rất thuận tiện cho việc sinh hoạt.

Theo PGS.TS Vũ Đăng Lưu, Giám đốc Trung tâm Điện quang, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện đa khoa Hà Giang thực hiện thành công các kỹ thuật đặt stent điều trị hẹp động mạch ngoài sọ, can thiệp nút mạch... cho thấy kết quả bước đầu của Dự án hỗ trợ hợp tác y tế toàn diện giữa Bệnh viện Bạch Mai với tỉnh Hà Giang được ký kết cuối năm 2023.

Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện đa khoa Hà Giang thỏa thuận hợp tác hỗ trợ y tế toàn diện từ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ, ứng dụng y học từ xa và nghiên cứu khoa học.

Trong vòng 5 năm, Bệnh viện Bạch Mai ưu tiên hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ thuật, quản lý cơ bản và chuyên sâu cho cán bộ y tế của Hà Giang theo 3 hình thức: Đào tạo trực tiếp tại BV; đào tạo tại tỉnh và đào tạo từ xa qua hệ thống công nghệ thông tin (Telehealth).

Trong đó, đặc biệt quan tâm nâng cao năng lực quản lý bệnh viện, các kỹ thuật y học thực hành, nhất là về tim mạch can thiệp, điện quang can thiệp, tiết niệu, lọc máu, hồi sức cấp cứu, nhi khoa… 

Hàng trăm lượt cán bộ y, bác sĩ của Hà Giang được đào tạo chuyển giao kỹ thuật cao, kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu.

Các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang có thể làm chủ các kỹ thuật cao sẽ giúp nâng cao chất lượng điều trị, cải thiện chất lượng sống cho người bệnh ngay tại địa phương.