Hướng dẫn khám tầm soát phát hiện sớm ung thư phổi tại Bệnh viện K
(Dân trí) - Ở Việt Nam, ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất, tỷ lệ tử vong cao, do thường được phát hiện muộn và khó điều trị.
Ung thư phổi là một trong những ung thư có tỷ lệ tử vong cao. Dự phòng bước một bằng việc ngừng hút thuốc giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do ung thư phổi. Bên cạnh đó, việc tầm soát ung thư phổi để phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn đầu rất hữu ích cho việc điều trị và giảm tỷ lệ tử vong.
Theo bác sĩ Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội), sàng lọc ung thư phổi bằng chụp cắt lớp vi tính liều thấp được khuyến cáo do chi phí thấp, giảm nguy cơ tiếp xúc tia xạ so với chụp cắt lớp vi tính thông thường, và giúp giảm tỷ lệ tử vong do ung thư phổi. Trong khi đó, chụp X-quang ngực thường quy và xét nghiệm đờm không được khuyến cáo trong sàng lọc ung thư phổi.
Sàng lọc ung thư phổi được chỉ định cho những đối tượng nguy cơ cao: tuổi ≥50, tiền sử hút thuốc nhiều, tiếp xúc khói bụi, phơi nhiễm phóng xạ…. Test sàng lọc được thực hiện là chụp cắt lớp vi tính ngực liều thấp hàng năm.
Xét nghiệm được coi là dương tính khi phát hiện các nốt tổn thương phổi không canxi hóa từ 4mm trở lên.
Các phương pháp sàng lọc
Chụp X-quang ngực
Đây là phương pháp chụp các cơ quan và xương bên trong ngực. X-quang là một loại tia năng lượng có thể đi qua cơ thể và cho hình ảnh của khu vực bên trong cơ thể trên phim chụp.
Chụp X-quang ngực không được khuyến cáo trong sàng lọc ung thư phổi. Nhiều thử nghiệm lâm sàng được tiến hành, tuy nhiên không thử nghiệm nào trong số đó cho thấy hiệu quả giảm tỷ lệ tử vong khi sàng lọc bằng chụp X-quang ngực.
Xét nghiệm đờm
Xét nghiệm đờm là một thủ tục trong đó bác sĩ sẽ lấy mẫu đờm (chất nhầy từ phổi) và quan sát dưới kính hiển vi để kiểm tra tế bào ung thư.
Xét nghiệm đờm cũng không được khuyến cáo trong sàng lọc ung thư phổi.
Chụp cắt lớp vi tính ngực liều thấp
Sàng lọc ung thư phổi bằng chụp cắt lớp liều thấp là một tiến bộ lớn của lĩnh vực sàng lọc ung thư. Cách sàng lọc này với phần mềm vi tính hỗ trợ diễn giải hình ảnh chụp chính xác và giảm chi phí. Liều chụp được đặt ở mức 2mSv (so với liều chuẩn 7mSv), giảm nguy cơ tiếp xúc tia xạ so với chụp cắt lớp vi tính ngực thông thường.
Các dữ liệu nghiên cứu gần đây cho thấy, với những bệnh nhân có nguy cơ cao bị ung thư phổi, việc tiến hành sàng lọc chẩn đoán sớm ung thư bằng chụp cắt lớp với liều xạ thấp hàng năm tăng được thêm 20% số trường hợp ung thư phổi được phát hiện khi so với chụp X-quang phổi thông thường. Chính nhờ những lợi ích rõ rệt như vậy, do đó, nhiều khuyến cáo hiện nay đang đề nghị đưa chụp cắt lớp vi tính ngực liều xạ thấp, tiến hành hàng năm là phương pháp tốt để sàng lọc, phát hiện ung thư phổi sớm.