Hướng dẫn 5 bước tự kiểm tra ung thư vú tại nhà

(Dân trí) - Ung thư vú là một trong những loại ung thư phổ biến nhất cần được phát hiện sớm khi vẫn còn tương đối dễ điều trị.

Ung thư vú tiến triển âm thầm, nhưng có thể được phát hiện bằng nhiều sàng lọc khác nhau - bao gồm cả cách mà bạn có thể làm tại nhà.

Hiểu về bộ ngực của mình, quen với biểu hiện bình thường của ngực, sẽ giúp bạn nhận ra những thay đổi và có thể tự phát hiện ung thư vú. Đối với một số người, dấu hiệu đầu tiên của ung thư vú là một khối u (hoặc một khối ở vú có thể phát hiện được) mà họ tự phát hiện ra. Các bác sĩ sẽ đánh giá bất kỳ khối u nào để loại trừ hoặc xác nhận mối đe dọa của ung thư vú.

Shoko Emily Abe, bác sĩ phẫu thuật vú tại Trung tâm Ung thư Toàn diện Gia đình UCSF Helen Diller, cho biết: "Khi tự kiểm tra, hãy để ý xem có những cục u cứng, trái ngược với đàn hồi hoặc mềm. Các dấu hiệu khác cần chú ý là núm vú hoặc da bị co kéo vào trong, đổi màu bất thường hoặc phát ban trên da và biến dạng núm vú."

Dưới đây là cách để bạn có thể phát hiện ung thư vú sớm, tự kiểm tra ngực và tầm soát ung thư vú.

Làm thế nào có thể phát hiện sớm ung thư vú?

Có thể phát hiện sớm ung thư vú bằng cách tự kiểm tra ngực, một quá trình quan sát và cảm nhận bất kỳ thay đổi nào ở vùng ngực.

Hiện tại, Hội Ung thư Mỹ không khuyến nghị tự kiểm tra ngực như một phần của việc tầm soát ung thư vú định kỳ vì có rất ít bằng chứng cho thấy nó hiệu quả trong phát hiện sớm ung thư vú ở những người cũng được chụp nhũ ảnh thường xuyên. Tuy nhiên, họ thừa nhận rằng tự kiểm tra ngực có thể cải thiện khả năng hiểu về bộ ngực. Mặt khác, Hội Bác sĩ phẫu thuật vú Mỹ vẫn coi việc tự kiểm tra vú là thiết yếu.

Biết được kích thước, hình dạng và vẻ ngoài bình thường của bộ ngực sẽ giúp bạn nhận ra các triệu chứng khi nó xảy ra, chẳng hạn như:

- Khối u vú cứng hoặc dày lên khác với mô vú xung quanh

- Đỏ da trên vú hoặc núm vú

- Nốt lõm hoặc sần sùi ở vú, giống như vỏ cam

- Da co kéo

- Dịch tiết trong hoặc lẫn mái chảy ra từ núm vú

- Một vùng khác biệt rõ ràng với các vùng khác xung quanh vú

- Thay đổi về kích thước, hình dạng, ngoại hình hoặc cảm giác của vú hoặc núm vú

- Núm vú mới bị tụt vào trong

- Trợt da, đóng vảy, hoặc bong vảy ở quầng vú hoặc bầu vú

BS Abe nói: "Trong khi khối u không phải ung thư thường đàn hồi và mềm, di động xung quanh như viên bi, thì khối u ung thư có xu hướng cứng hơn và không di chuyển nhiều. Không phải tất cả chúng đều giống nhau."

Nên để bác sĩ đánh giá nguy cơ ung thư vú vào khoảng 25 tuổi sao cho cả bạn và bác sĩ có thể đưa ra quyết định cá nhân về việc nếu và khi nào nên đi khám sàng lọc ung thư vú.

Có một số yếu tố nguy cơ không có nghĩa là bạn sẽ chắc chắn bị ung thư vú, nhưng tốt nhất là nên bắt đầu tầm soát sớm. Các xét nghiệm tầm soát, bao gồm cả chụp nhũ ảnh, không ngăn ngừa được bệnh, trong trường hợp này là ung thư vú. Thay vào đó, chúng cho phép phát hiện bệnh từ sớm. Điều này rất quan trọng vì phát hiện sớm có thể cải thiện kết quả ung thư vú.

Dưới đây là các yếu tố nguy cơ chính của ung thư vú:

- Là phụ nữ khi sinh con

- Có tiền sử cá nhân về các bệnh ở vú

- Có tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị ung thư vú

- Có kinh trước 12 tuổi

- Sinh con đầu lòng sau 30 tuổi

- Mang gen ung thư vú 1 (BRCA1) và ung thư vú 2 (BRCA2)

Rebecca H. Fishman, bác sĩ ngoại ung thư vú tại Khoa Phẫu thuật Penn Medicine cho biết: "Không có mối liên hệ nào giữa nguy cơ ung thư vú với một số loại thực phẩm cụ thể, mặc hay không mặc áo ngực, hoặc sử dụng so với không sử dụng chất khử mùi".

Hiểu về bộ ngực là điều quan trọng đối với những phụ nữ trẻ chưa đến tuổi chụp nhũ ảnh để họ có thể nhận ra và báo cáo bất kỳ thay đổi nào. Bà nói: "Vì nguy cơ phát triển ung thư vú khi còn trẻ, dưới 50 tuổi là thấp, nên không có khuyến nghị cụ thể nào về thời điểm bắt đầu tự kiểm tra ngực.

Làm thế nào để thực hiện tự kiểm tra ngực?

Tự kiểm tra sẽ giúp bạn hiểu điều gì là bình thường để có thể dễ dàng phát hiện khi có điều gì đó khác thường. Để tự kiểm tra ngực, hãy làm theo các bước sau:

Hướng dẫn 5 bước tự kiểm tra ung thư vú tại nhà - 1

Bước 1: Quan sát

Phần đầu tiên là kiểm tra bằng mắt, hoặc đơn giản là quan sát. Đứng cởi trần trước gương và kiểm tra xem ngực có bị lõm, sần sùi, màu sắc lạ và bất kỳ triệu chứng hoặc thay đổi đáng chú ý nào khác không. Kiểm tra ngực khi bạn đang đứng thẳng, với cánh tay giơ cao quá đầu và sau đó, đặt tay lên hông. Xoay từ bên này sang bên kia và ưỡn ngực về phía trước ở mỗi vị trí để kiểm tra thật kỹ.

Bước 2: Sờ khối u bằng ba ngón tay giữa

Sau khi quan sát, hãy cảm nhận những thay đổi bằng ba ngón tay giữa chụm lại. Dùng tay đối diện với bên ngực bạn đang kiểm tra - nghĩa là dùng tay trái sờ nắn ngực bên phải và ngược lại. Sờ tìm u cục và dày ở mỗi bên ngực, bao gồm cả vùng dưới xương đòn và dưới nách.

Bước 3: Sờ khối u bằng chuyển động lên xuống

Sau đó, dùng một tay đỡ ngực và dùng tay kia để sờ xem có u cục hay không bằng chuyển động lên xuống. Sờ nắn toàn bộ vùng ngực.

Bước 4: Lặp lại chuyển động lên xuống cho cả hai bên ngực

Lặp lại quy trình cho bên ngực còn lại.

Bước 5: Nằm xuống và sờ tìm khối u bằng chuyển động tròn hoặc lên xuống

Tiếp theo, nằm xuống và kê một chiếc gối dưới vai ở bên ngực mà bạn sẽ kiểm tra trước. Dùng tay đối diện sờ nắn xung quanh ngực theo chuyển động tròn hoặc lên xuống. Cảm nhận bất cứ thứ gì không giống với mô ngực xung quanh. Bạn có thể dùng kem dưỡng da hoặc dầu massage để bàn tay di chuyển nhẹ nhàng.

Vẻ ngoài và cảm giác của bộ ngực có thể thay đổi theo dao động trong các chu kỳ kinh nguyệt. Thông thường họ sẽ cảm thấy sưng và đau trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt, vì vậy hãy tự kiểm tra ngực mỗi tháng, khoảng 3 đến 5 ngày sau khi kỳ kinh nguyệt kết thúc.

Đối với những người ngừng kinh nguyệt, hãy nhớ thực hiện khám vào cùng một ngày hàng tháng.

Điều gì xảy ra nếu tôi sờ thấy một khối u?

BS Fishman nói: "Nếu một người cảm thấy có khối u mới ở ngực, họ nên thông báo cho bác sĩ. Nếu bạn phát hiện ra một số triệu chứng, những thay đổi ở ngực khiến bạn lo lắng hoặc những thay đổi vẫn tồn tại sau khi hết chu kỳ kinh nguyệt, hãy đến gặp bác sĩ để được đánh giá.

Phụ nữ trẻ hơn dễ có ngực chắc hơn, biểu hiện bằng việc có mô đặc hơn mô mỡ trên chụp nhũ ảnh, có nhiều mô dày hơn là mô mỡ ở vú. Đây là một yếu tố nguy cơ của ung thư vú vì mô đặc có thể che giấu khối u ung thư. Sự khác biệt giữa khối u và một bộ ngực chắc là mô vú đặc thường có cảm giác như cao su và thường không có ranh giới rời rạc xung quanh.

Không phải tất cả các khối u ở vú đều là dấu hiệu của ung thư vú. Hầu hết các khối u thường không phải là ung thư, và các khối u lành tính và không phải ung thư phổ biến nhất là u nang và u xơ.

Hướng dẫn 5 bước tự kiểm tra ung thư vú tại nhà - 2

Các khối u ung thư hiếm khi gây đau, trong khi các khối u lành tính, không phải ung thư có thể gây đau. Tuy nhiên, không phải tất cả các khối u đều giống nhau khi sờ, vì vậy hãy thông báo cho bác sĩ về bất kỳ khối u nào cảm thấy không bình thường. Nếu bạn thấy khối u, bước tiếp theo là chụp nhũ ảnh hoặc siêu âm để xác định rõ hơn đặc điểm của nó.

Tôi nên lên lịch khám ngực bao lâu một lần?

Một người từ 25 đến 40 tuổi có nguy cơ trung bình nên khám vú lâm sàng từ một đến ba năm một lần, nhưng những người trên 40 tuổi và những người có các yếu tố nguy cơ nên khám thường xuyên hơn, có thể hàng năm.

Chụp nhũ ảnh là cách tốt nhất để phát hiện các dấu hiệu sớm của ung thư vú, được khuyến cáo hai năm một lần cho những người từ 50 đến 74 tuổi với nguy cơ trung bình. Tuy nhiên, chủ đề về thời điểm bắt đầu chụp nhũ ảnh và bao lâu làm một lần vẫn là một chủ đề tranh cãi. Hầu hết các tổ chức đều ủng hộ chụp nhũ ảnh bắt đầu ở tuổi 40, tuy nhiên, đó nên là một quyết định cá nhân, có sự bàn bạc giữa bệnh nhân và bác sĩ.

Ung thư vú thường được phát hiện dưới dạng một kết quả bất thường trên chẩn đoán hình ảnh như chụp nhũ ảnh, siêu âm và chụp cộng hưởng từ (MRI). Điều này chỉ ra rằng khám sàng lọc xác định ung thư vú khi chúng mới xuất hiện rất, rất sớm và rất có thể điều trị và chữa khỏi.

Kết luận

Phát hiện sớm ung thư vú đồng nghĩa với việc bạn có cơ hội tốt nhất để điều trị và chữa khỏi ung thư. Có nhiều cách để tầm soát ung thư vú, chẳng hạn như tự kiểm tra ngực, khám lâm sàng và chụp nhũ ảnh. Tự kiểm tra ngực sẽ giúp bạn dễ dàng nhận ra bất kỳ sự thay đổi nào so với thông thường.

Nếu bạn sờ thấy một khối u mới, hãy nói chuyện với bác sĩ. Tất cả các khối u đều cần được đánh giá bởi người có chuyên môn, nhưng đừng hoảng sợ vì hầu hết các khối u thường không phải là ung thư.

Cẩm Tú

Theo Insider

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm