1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hợp tác với Pháp nâng chất lượng chăm sóc điều trị vết thương

Số bệnh nhân có vết thương mạn tính đang ngày càng khó kiểm soát và trở thành gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe. Trước bối cảnh trên, Liên chi hội điều trị vết thương TP.HCM đã phối hợp với chuyên gia Pháp xây dựng hệ thống hướng dẫn chăm sóc, điều trị vết thương.

Ngày 6/9, tại Bệnh viện Đại học Y Dược đã chính thức khởi động dự án xây dựng tài liệu “Hướng dẫn chăm sóc và điều trị vết thương” do Liên chi hội điều trị vết thương, TP.HCM hợp tác cùng Tập đoàn Urgo – chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc vết thương của Pháp thực hiện.

Ông Pierre Maustial, Giám đốc điều hành Tập đoàn cho hay: “Số bệnh nhân gặp phải tình trạng thương tổn mạn tính trên thế giới ngày càng gia tăng. Ước tính, toàn cầu hiện có khoảng 321 triệu người bị bệnh đái tháo đường, dự báo số người bệnh sẽ tăng lên 550 triệu người vào năm 2030. Trong đó, 15% bệnh nhân bị đái tháo đường sẽ bị biến chứng loét bàn chân; 50% bệnh nhân bị loét sẽ buộc phải cắt bỏ chi, những bệnh nhân bị cắt chi chỉ sống thêm được khoảng 2 năm”.

Hợp tác với Pháp nâng chất lượng chăm sóc điều trị vết thương - 1

Vết thương phần mềm đang trở thành bệnh dịch thầm lặng

Bên cạnh đó, những tổn thương loét do tì đè ở bệnh nhân bị tai biến phải nằm điều trị lâu ngày, không có khả năng tự xoay trở; loét chân do bệnh lý tĩnh mạch ở người lớn tuổi, nhiễm trùng bệnh viện sau can thiệp phẫu thuật... nếu không được chữa lành, vết thương sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống, gây nhiễm trùng, hoại tử, đe dọa sinh mạng người bệnh. Trong tương lai, số bệnh nhân có vết thương mạn tính sẽ ngày càng khó kiểm soát và trở thành gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Phân tích của PGS.TS.BS . Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Liên chi hội điều trị vết thương, TPHCM chỉ ra: Trên thế giới, việc điều trị vết thương đã phát triển theo hướng chuyên sâu. Tuy nhiên, tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung vấn đề này mới bước đầu được quan tâm.

Vết thương phần mềm được xem là “bệnh dịch thầm lặng”, mỗi vết thương, vết loét do từng bệnh lý khác nhau cần được chăm sóc và điều trị chuyên biệt. Song từ trước đến nay các bác sĩ ngoài nhiệm vụ điều trị bệnh lý nền theo từng chuyên khoa còn phải đảm nhiệm thêm nhiệm vụ xử lý vết thương phần mềm người bệnh mắc phải. Thực tế điều trị đang thiếu sự phối hợp chuyên khoa cũng như chưa ứng dụng được các kỹ thuật chuyên sâu và các vật liệu mới trong chăm sóc vết thương cho người bệnh. Điều đó khiến người bệnh lâu bình phục hoặc vết thương trở nặng thêm, gia tăng thời gian nằm viện, tăng chi phí điều trị, làm nặng gánh thêm tình trạng quá tải bệnh viện...

Hợp tác với Pháp nâng chất lượng chăm sóc điều trị vết thương - 2

Chuyên gia Pháp sẽ hợp tác, hỗ trợ y tế Việt Nam nâng cao hiệu quả chăm sóc, điều trị vết thương

Để nâng cao chất lượng chuyên môn trong chăm sóc, điều trị vết thương, cần có một phác đồ điều trị tiêu chuẩn, thống nhất, cập nhật. Tại các nước có nền y học phát triển đều có tài liệu “Hướng dẫn điều trị vết thương”, đây là phác đồ chung được thực hiện trong hệ thống y tế.

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Liên chi hội điều trị vết thương TP. HCM với tập đoàn Urgo, hệ thống đào tạo và phổ cập kiến thức về điều trị vết thương qua hệ thống internet: E-learning cũng sẽ được thiết lập. Việc này sẽ giúp các BS, điều dưỡng, nhân viên y tế học tập, nâng cao trình độ chăm sóc vết thương một cách dễ dàng, tiện lợi và hiệu quả hơn.

Khẳng định chăm sóc điều trị vết thương là một trong những vấn đề trọng tâm của quá trình chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược, TP.HCM nhận định, đây là xu hướng tất yếu của y tế toàn cầu trước mô hình bệnh tật mới. Ông bày tỏ sự vui mừng khi dự án hợp tác hướng dẫn chăm sóc điều trị vết thương được khởi động và cho biết sẽ tạo điều kiện để cơ sở điều trị, thực hành của trường tham gia các khóa tập huấn để sinh viên và nhân viên y tế nói chung được trang bị thêm kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn.

V.P

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm