Hơn 7.900 ca mắc mới Covid-19, Bộ trưởng Y tế quan ngại dịch tăng trở lại
(Dân trí) - Ngày 10/11, cả nước ghi nhận 7.918 ca mắc Covid-19 mới, với 3.999 ca cộng đồng. Bộ trưởng Y té bày tỏ quan ngại khi dịch có dấu hiệu tăng trở lại ở một số địa phương, nhiều người có tâm lý chủ quan.
Tính từ 16h ngày 9/11 đến 16h ngày 10/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 7.930 ca nhiễm mới, trong đó 12 ca nhập cảnh và 7.918 ca ghi nhận trong nước (giảm 211 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 3.999 ca trong cộng đồng).
Cụ thể tại TPHCM (1.414), Đồng Nai (848), Bình Dương (627), An Giang (450), Tây Ninh (435), Tiền Giang (396), Kiên Giang (327), Sóc Trăng (298), Bình Thuận (287), Đồng Tháp (274), Bạc Liêu (234), Bà Rịa - Vũng Tàu (191), Đắk Lắk (181), Cà Mau (180), Vĩnh Long (157), Cần Thơ (139), Long An (132), Bình Phước (131), Khánh Hòa (122), Hà Giang (94), Bến Tre (87), Hà Nội (80), Trà Vinh (74), Hậu Giang (63), Gia Lai (61), Quảng Ngãi (57), Nghệ An (51), Ninh Thuận (50), Phú Thọ (45), Hà Tĩnh (44), Bình Định (39), Bắc Giang (36), Đắk Nông (36), Thanh Hóa (33), Nam Định (29), Đà Nẵng (26), Bắc Ninh (23), Hưng Yên (23), Quảng Nam (19), Hải Dương (18), Phú Yên (16), Quảng Bình (13), Kon Tum (11), Quảng Trị (11), Lạng Sơn (9), Tuyên Quang (8 ), Điện Biên (6), Hà Nam (6), Thừa Thiên Huế (6), Ninh Bình (5), Vĩnh Phúc (4), Cao Bằng (2), Thái Nguyên (2), Lai Châu (2), Yên Bái (2), Hòa Bình (1), Bắc Kạn (1), Hải Phòng (1), Thái Bình (1).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 7.596 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 992.735 ca nhiễm, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/một triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ một triệu người có 10.076 ca nhiễm).
Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 987.758 ca, trong đó có 841.237 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TPHCM (442.630), Bình Dương (240.974), Đồng Nai (74.913), Long An (36.122), Tiền Giang (19.099).
Về tình hình điều trị, trong ngày có 1.254 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 844.054 trường hợp.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.620 ca, trong đó:
- Thở oxy qua mặt nạ: 2.617
- Thở oxy dòng cao HFNC: 588
- Thở máy không xâm lấn: 91
- Thở máy xâm lấn: 311
- ECMO: 13
Về số bệnh nhân tử vong, từ 17h30 ngày 09/11 đến 18h30 ngày 10/11 ghi nhận 79 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (43), Bình Dương (9), Long An (4), Tiền Giang (4), An Giang (4), Đồng Nai (3), Đắk Lắk (2), Tây Ninh (2), Kiên Giang (2), Bạc Liêu (2), Khánh Hòa (1), Bình Thuận (1), Vĩnh Long (1), Cần Thơ (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 69 ca/ngày.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.765 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.
So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên một triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên một triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Về tình hình tiêm chủng, trong ngày 9/11 có 1.646.940 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 93.962.665 liều, trong đó tiêm một mũi là 62.806.992 liều, tiêm mũi 2 là 31.155.673 liều.
Để ứng phó với dịch Covid-19, TP. Hồ Chí Minh bổ sung thêm 33 trạm y tế lưu động. Trước đó, Thành phố cũng đã yêu cầu kích hoạt 40 trạm y tế lưu động tại huyện Hóc Môn.
Còn tại Hà Nội dự kiến triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi, thời gian triển khai tiêm dự kiến vào quý 4/2021 tới quý 1/2022.
Ngày 10/11 trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng y tế bày tỏ quan ngại khi dịch có dấu hiệu tăng trở lại ở một số địa phương. "Chính phủ, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường chống dịch. Từ giờ đến cuối năm dịch diễn biến phức tạp, xuất hiện tâm lý chủ quan, một số người dân không áp dụng khuyến cáo 5K", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói
Theo ông Long, dịch từ nay đến cuối năm diễn biến rất phức tạp do một số nguyên nhân, như thời tiết lạnh miền Bắc, Tết đến tập thể đông người, người dân chủ quan. Lưu ý các địa phương hết sức quan tâm chống dịch từ nay đến cuối năm, 2022, tăng phủ vaccine để giảm mắc, giảm tử vong.
Bộ trưởng Y tế cũng cho rằng dự báo với Covid-19 hết sức khó khăn. Các nước hầu hết chưa có dự báo mang tính dài hạn. WHO đưa khuyến cáo chung dịch không thể kết thúc 2022, hi vọng 2023 Covid-19 trở thành bệnh theo mùa. Đây là đại dịch chưa từng có trong tiền lệ, biến chủng liên tục. Chủng gốc tốc độ lây vừa phải, biến chủng Delta lây lan nhanh.