1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hơn 75% người dân sử dụng biện pháp tránh thai

(Dân trí) - Nhờ thành công của chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), đã hạn chế việc tăng thêm 20 triệu người trong những thập kỷ qua, đã tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội.


Các biện pháp tránh thai tại Việt Nam ngày càng được đa dạng hóa

Các biện pháp tránh thai tại Việt Nam ngày càng được đa dạng hóa

Hiện nay, dân số Việt Nam là hơn 93 triệu người . Tỷ lệ tăng dân số từ trên 2%/năm 1993 đã giảm xuống còn 1,08% năm 2016.

Theo Tổng cục Thống kê cho biết, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) là trên 24,2 triệu người. Trung bình mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng gần 1 triệu người.

Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) vẫn sẽ tiếp tục gia tăng và dự báo sẽ đạt cực đại vào năm 2027 - 2028.

Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai năm 2017 là 76%, trong đó tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 57%.

Các kết quả công tác DS-KHHĐ đạt được đó góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là đóng góp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện đời sống nhân dân.

Nhờ thành công của chương trình DS-KHHGĐ, đã hạn chế việc tăng thêm 20 triệu người trong những thập kỷ qua, đã tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội. Theo kinh nghiệm của quốc tế, nếu chi 1 USD cho KHHGĐ thì sẽ tiết kiệm được 31 USD chi cho xã hội. Kết quả công tác DS-KHHGĐ đã làm tăng GDP bình quân đầu người khoảng 2%/năm, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của đất nước.

Hiện nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai tiếp tục tăng. Đặc biệt vị thành niên/ thành niên cần được quan tâm hơn. Họ là những đối tượng phải đương đầu với nhiều nguy cơ và thách thức liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục như: Họ thiếu kiến thức, kỹ năng cần thiết để chăm sóc bản thân.

Do đó, trong 3 năm (2017-2019), một chương trình truyền thông xã hội với chủ đề “Là phụ nữ tôi chọn sống chủ động” do Hội LHPN Việt Nam phối hợp thực hiện cùng Tổng cục DS-KHHGĐ đã được triển khai rộng khắp.

Trong đó, năm 2017 chương trình “Là phụ nữ tôi chọn sống chủ động” đã tổ chức liên tiếp 12 Hội nghị chuyên đề phổ cập kiến thức phòng tránh thai tại 12 tỉnh thành với hơn 1.200 chị em là cán bộ nòng cốt của HLHPN VN tham gia. Song song đó, kênh truyền thông trực tuyến cũng là một phương tiện giúp chị em kiểm tra kiến thức về phòng tránh thai với nguồn thông tin chính xác, tin cậy cũng được cập nhật và tạo ra phong trào thi đua sôi nổi trên cả nước với gần 20 triệu chị em phụ nữ tham gia cuộc thi online “Hiểu về tránh thai”

Hơn 75% người dân sử dụng biện pháp tránh thai - 2

Đại diện Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Ủy viên Đoàn chủ tịch, Trưởng ban Gia đình-Xã hội - Giám đốc TT Chăm sóc sức khỏe sinh sản (ảnh trên), cho biết tại Hội nghị về lợi ích tránh thai ngày 25/9: “Phát huy thế mạnh của 17 triệu Hội viên trong cả nước, Hội LHPN Việt Nam sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, đảm bảo quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt. Tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng đối tượng có mức sinh cao, duy trì mức sinh ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế, sinh đủ 2 con ở những nới có mức sinh thấp”.

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cũng bày tỏ mong muốn Hội LHPN Việt Nam tiếp tục phối hợp hiệu quả với Tổng cục DS-KHHGĐ trong việc triển khai chương trình truyền thông KHHGĐ vì sức khỏe cộng đồng.

Nhân Hà