1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hơn 60% chợ có vi-rút cúm A/H5N1 lưu hành

(Dân trí) - Cứ 100 con gia cầm thì có 6 con dương tính với cúm A/H5N1, 61% trong tổng số 147 chợ tại 44 tỉnh thành phát hiện vi-rút nguy hiểm này. Cúm H5N1 tiếp tục lan rộng trong nước đồng thời nhiều loại cúm nguy hiểm khác đang đe dọa tràn vào Việt Nam.

Long An - Tây Ninh: 2 điểm nóng về dịch cúm H5N1
 
Tại cuộc họp trực tuyến về phòng chống cúm gia cầm, Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát bày tỏ mối quan ngại trước những mối nguy đối với vật nuôi và sức khỏe của người dân trên cả nước. Ông Phát nhận định, tất cả các loại cúm gia cầm đều nguy hiểm như nhau, dù Việt Nam chưa phải đương đầu với các chủng vi-rút H7N9; H5N2; H8N10… nhưng cúm H5N1 đã và đang hoành hành nhiều năm nay song chúng ta chưa thể chặn đứng được.
 
Báo cáo của Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm, hiện nay nước ta có 14 tỉnh có dịch cúm gia cầm, tổng số gia cầm mắc bệnh, chết gần 24.000 con. Chưa đầy 2 tháng đầu của năm 2014 nhưng đã có hai trường hợp mắc cúm H5N1 tử vong tại Bình Phước và Đồng Tháp. Hiện đã có 5 tỉnh quyết định công bố dịch.
 
“Các số liệu thống kê đều chỉ ra, số gia cầm mắc bệnh, địa phương có dịch của lần tổng kết sau đều cao hơn lần tổng kết trước. Điều đó cho thấy cúm gia cầm chưa lên tới đỉnh mà vẫn tiếp tục lan rộng.” Tại cuộc họp trực tuyến, Phó thủ tướng Chỉnh phủ Hoàng Trung Hải nhận định.

Các điểm chợ đang trở thành ổ dịch cúm gia cầm
Các điểm chợ đang trở thành ổ dịch cúm gia cầm

Các báo cáo cụ thể cho thấy, tại tỉnh Quảng Ngãi từ đầu năm 2014 dịch đã bùng phát ở 4 xã phía nam của tỉnh thuộc địa bàn giáp ranh với Bình Định, đến nay huyện Đức Phổ vẫn còn dịch. Tại Đắk Lắk, bà Mai Hoan Nê Kdăm, Phó chủ tịch tỉnh cho biết từ đầu năm đến nay đã xảy ra 4 ổ dịch, tỉnh buộc phải tiêu hủy 3.000 con gia cầm. Tỉnh Phú Yên cũng có phải tiêu hủy 1.000 gia cầm bệnh. Tỉnh Khánh Hòa; Bà Rịa – Vũng Tàu; Cà Mau dịch bệnh cũng đang diễn biến rất phức tạp.

Điểm nóng nhất hiện nay về cúm gia cầm đang tập trung tại hai tỉnh Long An và Tây Ninh, đây là địa bàn đang đe dọa trực tiếp tới sự “an nguy” của khu vực đông dân nhất cả nước là TPHCM. Đại diện tỉnh Long An cho biết, dịch đã bùng phát tại hai huyện trên địa bàn, chính quyền địa phương đã phải tiêu hủy 2.300 gia cầm. Đây là địa bàn vùng Đồng Tháp Mười với nhwungx đàn vịt chạy đồng lên tới 10 triệu con kết hợp với tình hình buôn bán giết mổ tại khu vực cửa ngõ để cung ứng cho TPHCM nên việc kiểm soát cúm là rất khó.

Tình hình càng căng thẳng hơn tại Tây Ninh, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh có 5 huyện có đường biên giới với Campuchia quốc gia có dịch cúm gia cầm đang hoành hành dự dội nên nguy cơ lây lan dịch từ nước bạn sang nước ta là rất cao. Tây Ninh đã phát hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N1 vào cuối tháng 1 vừa qua, hiện dịch đang diễn biến phức tạp.

Dịch bệnh từ bên ngoài có nguy cơ tràn vào Việt Nam

Nhiều chủng vi-rút cúm gia cầm nguy hiểm khác đang hoành hành tại các quốc gia láng giềng có đường biên giới với nước ta hoặc một số nước trong khu vực. Đầu năm 2014 chủng cúm A/H5N8 đã xuất hiện tại Hàn Quốc với 5 ổ dịch khiến hơn 60 gia cầm mắc bệnh và chết. Tại Campuchia, năm 2013 đã có 26 người nhiễm cúm gia cầm trong đó có 14 ca tử vong vì H5N1. Từ đầu năm đến nay, quốc gia này lại xuất hiện ổ bệnh tại tỉnh Kongpong Cham khiến hơn 5.000 gia cầm mắc bệnh, chết.

Nhiều địa phương đang cần thêm vắc-xin phòng dịch H5N1 (ảnh Sơn Công)
Nhiều địa phương đang cần thêm vắc-xin phòng dịch H5N1 (ảnh Sơn Công)

Trung Quốc là nước đang phải gồng mình đương đầu với nhiều chủng cúm gia cầm khác nhau. Từ cuối năm 2013 đến nay đã có 3 trường hợp tại nước này nhiễm H10N8 trong đó có 2 ca tử vong, các trường hợp trên đều tiếp xúc với gia cầm bệnh. Cúm A/H5N2 có độc lực cao phát sinh trong tháng 1 tại tỉnh Sơn Đông khiến gần 19 nghìn gia cầm mắc bệnh, chết. Chủng cúm quen thuộc là H5N1 tại tỉnh Quý Châu, Hà Bắc cũng khiến cho hơn 81 nghìn gia cầm nhiễm bệnh. Riêng cúm H7N9 đã cướp đi sinh mạng của 20 trong số 208 trường hợp nhiễm bệnh kể từ đầu năm 2014.

Ông Cao Đức Phát nhận định, cùng với sự tiếp tục lây lan trên diện rộng của cúm A/H5N1 trong nước, nguy cơ vi-rút cúm A/H7N9; H5N2; H10N8 xâm nhập vào nước ta trong thời gian tới là rất cao đặc biệt là tại các tỉnh biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam nơi diễn ra tỉnh trạng buôn bán gia cầm lậu khá phức tạp. Vì thế ông yêu cầu các địa phương cần siết chặt công tác quản lý, kiên quyết không để gia cầm lậu, gia cầm không rõ nguồn gốc tràn qua biên giới. Ông Phát nhấn mạnh: “Trong trường hợp xảy ra dịch cần phải kịp thời cung cấp thông tin để người dân biết, người dân chủ động phòng và kết hợp với các cơ quan chức năng dập dịch. Nghiêm cấm mọi hành vi giấu dịch hoặc công bố thông tin không đúng sự thật khiến dân hoang mang”.

Để phòng chống cúm gia cầm hiệu quả và triệt để, nhiều địa phương trên cả nước đề nghị được hỗ trợ thêm vắc-xin phòng bệnh (cúm A/H5N1). Cùng với vắc-xin một số tỉnh như Đắk Lắk, Phú Yên, Khánh Hòa, Long An, Tây Ninh… cũng đang đứng trước nguy cơ “cạn” hóa chất tiêu độc khử trùng nên rất cần được Chính phủ quan tâm hỗ trợ.
 
 

Cần ngăn hơn là chống

 

"Tình hình hiện nay rất nguy hiểm bởi nguy cơ cúm gia cầm A/H7N9 xâm nhập vào nước ta là rất cao, số ca tử vong ở nước ngoài rất lớn. Cần quan tâm nhiều hơn đến công tác ngăn chặn cúm gia cầm A/H7N9 hơn là việc chống cúm gia cầm A/H5N1 vì chủng cúm mới này chưa có biểu hiện lâm sàng, chỉ phát hiện bằng cách xét nghiệm và hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh nên việc xử lý là rất khó," Bộ trưởng Phát yêu cầu.

Đồng quan điểm này, đại diện từ Bộ GTVT cho rằng mặc dù cúm gia cầm A/H5N1 vẫn đang hoành hành ở nước ta nhưng chúng ta đã có kinh nghiệm đối phó mấy năm qua, Bộ Y tế cũng đã có pháp đồ điều trị và chúng ta cũng đã có vắc xin phòng bệnh.

"Lo ngại nhất là cúm gia cầm A/H7N9. Cần nhanh chóng nghiên cứu vắc xin phòng chủng cúm mới này," vị đại diện này nhận định.

Trong khi đó, đại diện đến từ Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) lại cho rằng cả hai dịch bệnh này đều đáng sợ vì cúm gia cầm A/H5N1 đã là nhãn tiền nhưng vẫn tiếp tục gây tử vong. Chưa đầy 2 tháng đầu năm 2014 nước ta đã ghi nhận 2 ca tử vong vì cúm A/H5N1 tại tỉnh Bình Phước và Đồng Tháp, hai địa phương chưa công bố dịch. Do đó, nếu không làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh thì trung bình mỗi tháng sẽ có một ca tử vong.

Tình hình diễn biến dịch bệnh gần đây cho thấy, dịch cúm A/H5N1 đã phát tán dọc các tỉnh phía Đông từ Quảng Ninh đến phía Nam. Trung Quốc đã quyết định đóng cửa các chợ gia cầm sống và biện pháp này đã giúp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, tuy nhiên áp dụng biện pháp này ở Việt Nam hiện nay còn khó khăn.

"Mặc dù cúm A/H7N9 có nguồn gốc từ gia cầm nhưng nó có dấu hiệu thích nghi với động vật có vú và điều này tăng khả năng lây lan sang người," vị đại diện này cho biết.

Vân Sơn - ThảoNguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm