1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hơn 4% dân số trên 40 tuổi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

(Dân trí) - Đó là con số được đưa ra tại buổi họp báo công bố chương trình “Vì một lá phổi khỏe” diễn ra tại Đà Nẵng, chiều 21/9 do Cục Quản lý khám chữa bệnh, Hội Hô Hấp Việt Nam (VNRS) và Hội Lao và Bệnh phổi Việt Nam (VATLD) trong khuôn khổ đồng hành cùng “Chương trình quốc gia về bệnh suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính” của Bộ Y Tế tổ chức.

GS.TS.BS. Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội hô hấp Việt Nam cho biết, bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính gây ra các gánh nặng xã hội, từ chi phí điều trị trực tiếp đến các chi phí gián tiếp như giảm năng suất lao động, bỏ học, bỏ việc giữa chừng để điều trị.

Việc quản lý tốt bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính vô cùng cần thiết, vì nó sẽ giúp giảm số ca mắc bệnh, tàn tật và tử vong do hen và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bênh nhân, giảm gánh nặng kinh tế y tế cho Việt Nam.

GS.TS.BS. Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội hô hấp Việt Nam chia sẻ thông tin tại buổi họp báo
GS.TS.BS. Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội hô hấp Việt Nam chia sẻ thông tin tại buổi họp báo

Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD ) ở dân số 40 tuổi được thống kê chiếm 4,2% dân số, trong đó tỷ lệ ở nam là 7,1% và ở nữ là 1,9%. Trong dân số đó, tỷ lệ COPD tại miền Bắc là 5,7%, miền Trung là 4,6% và miền Nam là 1,9%. Ngoài thuốc lá và nhiên liệu sinh học, ô nhiễm môi trường và đặc biệt là bệnh lao phổi đã góp phần làm tăng các yếu tố nguy cơ COPD ở Việt Nam.

Cũng theo GS.TS.BS. Ngô Quý Châu, bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nói riêng và các bệnh hô hấp nói chung vẫn chưa được chú ý đúng mức tại Việt Nam. Tỷ lệ hen tại Việt Nam chiếm 4,1% dân số. Tuy nhiên, chỉ có 29,1% bệnh hen dùng thuốc điều trị duy trì và 39,7% bệnh nhân được kiểm soát hen tốt.

PGS.TS Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch - Lâm sàng TPHCM – cho biết thêm trong một nghiên cứu về việc áp dụng chiến lược toàn cần cầu xử lý và phòng hen phế quản tại TPCHM cho thấy trong số bệnh nhân đến khám tại cơ sở điều trị ban đầu, có 16% dùng thuốc điều trị hen, dẫn đến nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.

Theo thống kê từ Ban tổ chức, tại Việt Nam, hiện nay trẻ em lứa tuổi từ 12-13 có tỷ lệ hen suyễn cao nhất Châu Á, tỷ lệ mắc bệnh bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mức trung bình đến nặng ở bệnh nhân trên 35 tuổi cũng đang cao nhất khu vực và con số này đang có xu hướng gia tăng.

Khánh Hồng