Hơn 20% bác sĩ bối rối với kết quả… xét nghiệm

(Dân trí) - Những kết quả từ cuộc khảo sát tại Mỹ về những thách thức đối với các thầy thuốc trong việc chỉ định, diễn giải và sử dụng hiệu quả xét nghiệm, đặt ra mối lo ngại về việc sử dụng an toàn và hiệu quả các xét nghiệm trong khám và điều trị bệnh.

Hơn 20% bác sĩ bối rối với kết quả… xét nghiệm

Xét nghiệm cận lâm sàng là công cụ không thể thiếu để chẩn đoán bệnh. Trong 20 năm qua, số lượng xét nghiệm có trong tay các thầy thuốc lâm sàng đã tăng gấp đôi lên con số ít nhất là 3500 xét nghiệm.

Sự phức tạp này đặt các thầy thuốc trước những thách thức ngày càng tăng trong việc chỉ định, diễn giải và sử dụng hiệu quả kết quả xét nghiệm, nhất là với các thầy thuốc chăm sóc sức khỏe ban đầu, những người thường phải chỉ định nhiều loại xét nghiệm nhất và cho nhiều bệnh nhân nhất.

Trong một nghiên cứu đăng trên tờ The Journal of the American Board of Family Medicine, nhóm nghiên cứu, với sự tài trợ của Trung tâm phòng chống Bệnh dịch Mỹ (CDC), đã tiến hành khảo sát trên các bác sĩ đa khoa và bác sĩ gia đình ở Mỹ.

Có 1.768 bác sĩ đã được khảo sát. Các bác sĩ này cho biết trung bình 31,4% bệnh nhân đến khám ngoại trú được chỉ định xét nghiệm. Tuy nhiên họ không chắc chắn về việc chỉ định xét nghiệm ở 14,7% và không chắc chắn về việc diễn giải kết quả xét nghiệm ở 8,3% số bệnh nhân.

Những thách thức lớn nhất về chỉ định xét nghiệm có liên quan tới chi phí đối với bệnh nhân và giới hạn chi trả bảo hiểm. Những khó khăn khác bao gồm cùng một xét nghiệm nhưng tên khác nhau, những xét nghiệm chỉ có trong một bộ xét nghiệm, và những xét nghiệm khác nhau nằm trong những bộ xét nghiệm có tên giống nhau.

Những thách thức lớn nhất trong việc diễn giải và sử dụng kết quả xét nghiệm là không nhận được kết quả và biểu mẫu kết quả gây nhầm lẫn.

Các bác sĩ tham gia khảo sát rất ủng hộ việc sử dụng công nghệ công tin và các giải pháp hỗ trợ ra quyết định để cải thiện việc lựa chọn và diễn giải kết quả xét nghiệm, song những giải pháp này còn chưa phổ biến. Họ ít khi tìm kiếm sự hỗ trợ hoặc tư vấn từ cán bộ chuyên môn ở phòng xét nghiệm nhưng luôn đánh giá cao sự tư vấn này mỗi khi nhận được.

Khảo sát trên cho thấy các thầy thuốc chăm sóc sức khỏe ban đầu thường gặp phải nhiều thách thức trong việc chỉ định và diễn giải kết quả xét nghiệm để chẩn đoán bệnh.

Điều này đặt ra mối lo ngại về việc sử dụng an toàn và hiệu quả các xét nghiệm trong khám và điều trị bệnh.

Cải thiện công nghệ thông tin và các hệ thống hỗ trợ ra quyết định trên lâm sàng, cùng với khả năng tiếp cận nhanh chóng tới những tư vấn của cán bộ chuyên môn ở phòng xét nghiệm có thể làm giảm sự bối rối và giảm nhẹ những thách thức này.

Cẩm Tú

Theo JABFM