Hơi thở hôi: 5 nguyên nhân và cách chữa

(Dân trí) - Bạn băn khoăn khi thấy những người thân yêu của bạn phải giữ một khoảng cách khi nói chuyện với bạn? Dưới đây là một số nguyên nhân, cũng như cách để hồi phục hơi thở thơm tho.

Hơi thở hôi: 5 nguyên nhân và cách chữa


  

1. Miệng bẩn

 

TS. Richard H. Price, người phát ngôn của Hội Nha khoa Hoa Kỳ, cho biết “90% nguyên nhân mùi hôi ở miệng xuất phát từ miệng hoặc từ thực phẩm bạn ăn hay vi khuẩn có sẵn. Mùi ở miệng giống như các mùi khác trên cơ thể - là kết quả của vi khuẩn đang sống trong cơ thể thải ra các sản phẩm phụ”. Vi khuẩn sống bình thường trong miệng tương tác với các mảnh thức ăn, máu, mô, v.v…, tạo ra các hợp chất sulfur dễ bay hơi (thí dụ: mùi hôi). Nếu bạn không vệ sinh sạch sẽ, vi khuẩn sẽ tích tụ lại.

 

Kẹo gôm, kẹo bạc hà, nước súc miệng… đều có thể tạm thời, nhưng không chữa khỏi hơi thở hôi. Cách để tống khứ hơi thở hôi là chải răng, dùng chỉ tơ nha khoa và cạo lưỡi 2 lần mỗi ngày. Để hơi thở thơm tho, điều quan trọng là phải cạo lưỡi.

 

2. Mất cân bằng môi trường miệng

 

Một số bệnh ở miệng có thể làm tăng sự phát triển vi khuẩn và mùi hôi, như bệnh lợi và miệng khô. Bệnh lợi gây chảy máu lợi, tạo môi trường thuận lợi hơn cho những vi khuẩn này thối rữa. Nhưng miệng khô cũng là một nguyên nhân khá phổ biến khiến hơi thở có mùi. Vào mùa xuân và mùa hè, các thuốc chống dị ứng có thể khiến bạn bị khô miệng; vào mùa đông, thủ phạm thường là hơi nóng khô.

 

Cách tốt nhất để giữ cân bằng nước bọt là uống nhiều nước hoặc chất lỏng. Để ngăn ngừa khô miệng trong mùa đông, hãy dũng chất làm ẩm. Nếu bạn ngủ ngáy hoặc khó chịu phía sau mũi, dùng nước muối xịt mũi để giữ cho mũi luôn ẩm.

 

3. Thực phẩm có mùi

 

Nếu thực phẩm có mùi, khả năng mùi đó vẫn còn lưu đọng lại. Những thủ phạm rõ nhất là hành, tỏi, rượu và thuốc lá. Thực phẩm không chỉ tạo ra mùi hôi ở miệng. Dầu thực vật được hấp thu và các sản phẩm phụ vào máu khiến bạn có hơi thở hôi  tới 3-4 giờ sau đó.

 

Tránh những thủ phạm chính (hành, tỏi, thuốc lá, cà phê,…) là cách tốt nhất để ngăn ngừa hơi thở hôi liên quan tới thực phẩm. Hai tách trà mỗi ngày có thể ngăn ngừa hơi thở hôi ở một số người. Polyphenol, một hóa chất thực vật có trong trà, có thể ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn gây hơi thở hôi. Nhai mùi tây cũng có thể khử được mùi khó chịu do các thực phẩm khác và vi khuẩn gây nên. Cây nam việt quất có thể loại bỏ mùi khó chịu và khiến vi khuẩn ít bám dính hơn, ít hình thành mảng bám hơn. Kẹo gôm không đường chứa xylotol có thể giết một số vi khuẩn và giúp giảm mảng bám.

 

4. Không đủ carbohydrate

 

Chế độ ăn có lượng protein cao, carbohydrate thấp khiến cơ thể bạn đốt cháy chất béo dữ trữ để sản sinh năng lượng thay cho carbohydrate và có thể tạo ra một chất hóa học là ketone. Vì chất béo bị đốt cháy, ketone hình thành trong cơ thể, và một số được giải phóng qua hơi thở. Đáng tiếc là ketone đặc biệt có mùi không dễ chịu.

 

Cách duy nhất ngừa ketone từ chế độ ăn ít carbohydrate là ăn một lượng vừa đủ carbohydrate. Nên ăn trái cây, rau xanh và ngũ cốc nguyên cám.

 

5. Bệnh tật

 

Đôi khi, hơi thở hôi có thể là dấu hiệu của một bệnh nghiêm trọng. Nguyên nhân toàn thân gây hơi thở hôi hay gặp nhất là bệnh tiểu đường hoặc bệnh trào ngược dạ dày-thực quản (gastro-esophageal reflux disease - GERD). Bệnh tiểu đường cũng làm sản sinh ketone, đôi khi hơi thở hôi là một trong những triệu chứng đầu tiên để chẩn đoán bệnh. GERD là bệnh trào ngược axít từ dạ dày lên thực quản. Hiếm gặp nhưng có thể là bệnh gan hoặc bệnh thận – khi độc tố của những tạng này bài tiết qua phổi, gây hơi thở hôi.

 

Nếu cạo lưỡi và ăn carbohydarte vẫn không có ích gì, hãy đến gặp bác sĩ. Bác sĩ sẽ kiểm tra nếu nghi ngờ nguyên nhân nghiêm trọng hơn. Bệnh tiểu đường, GERD hoặc các bệnh khác cần chẩn đoán và điều trị đặc biệt.

 

Anh Khôi

Theo MSN