Hỏi đáp vắc xin Covid-19: Vì sao đến điểm tiêm là huyết áp tăng vọt?

(Dân trí) - Sáng nay tôi đi tiêm vắc xin Covid-19, đã cẩn thận đo huyết áp tại nhà ổn định. Đến điểm tiêm huyết áp cao 168/123 mmHg sau 30 phút tăng lên 174/125.

Suốt cả buổi sáng và 2 lần đo đầu giờ chiều buổi tiêm, huyết áp tôi liên tục "nhảy múa", đỉnh điểm lần 3 là 180/120mmHg. Đến khi không đủ kiên nhẫn, quyết tâm ngồi nghỉ 20 phút để về. Sau 20 phút ấy đo lại huyết áp tôi lại "đẹp như mơ" đủ điều kiện tiêm chủng. Vì sao có tình trạng này thưa bác sĩ? Huyết áp cao vì sao không đủ điều kiện tiêm phòng?

Hỏi đáp vắc xin Covid-19: Vì sao đến điểm tiêm là huyết áp tăng vọt? - 1

Huyết áp của một người tiêm vắc xin tăng vọt trước khi tiêm.

Bác sĩ Nguyễn Quang Hòa, Chuyên gia Hồi sức tích cực, Bệnh viện Phổi Trung ương trả lời:

Trong quá trình tiêm chủng, rất nhiều người đi tiêm gặp tình trạng như vậy, kể cả ở người trẻ.

Hỏi đáp vắc xin Covid-19: Vì sao đến điểm tiêm là huyết áp tăng vọt? - 2

Nhiều người ở nhà bình thường, đến điểm tiêm là huyết áp tăng vọt.

Khi ở nhà thì huyết áp ổn định, đến điểm tiêm thì huyết áp lại tăng vù vù, phải mất thời gian chờ đợi đo lại huyết áp. Không ít người cả buổi sáng không xuống, khi về nhà, chiều quay lại đo huyết áp lại đủ điều kiện để tiêm phòng.

Hiện tượng này chủ yếu là do tâm lý người đi tiêm lo lắng, người có hội chứng áo choàng trắng, cứ nhìn thấy bác sĩ, kim tiêm là căng thẳng, huyết áp tăng vù vù.

Để hạn chế tình huống này, mọi người cần lưu ý:

- Đọc kỹ các tác dụng của vắc xin, tác dụng phụ và hiểu đúng về nó để không dẫn đến những lo lắng quá mức cũng khiến huyết áp tăng.

- Không nghe những thông tin không chính thống, lo sợ thái quá tác dụng phụ của vắc xin.

- Trước ngày đi tiêm nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ. Buổi sáng trước khi đi tiêm ăn uống bình thường, không uống bia rượu, chất kích thích, không bỏ bữa.

- Uống thuốc hạ huyết áp hàng ngày nếu đang điều trị cao huyết áp.

- Đến điểm tiêm ngồi nghỉ ngơi một chút, theo hướng dẫn của nhân viên y tế vào khám sàng lọc.

- Tâm lý người đi tiêm rất quan trọng. Hãy nghĩ đơn giản như những lần chúng ta tiêm vắc xin cúm, các loại vắc xin khác, không quá lo lắng, hồi hộp.

Những mẹo trên sẽ giúp người đi tiêm, ổn định tâm lý. Trong trường hợp huyết áp vẫn cao, bác sĩ có thể xử lý tình huống để huyết áp hạ, đủ điều kiện sẽ được tiêm phòng.

Bác sĩ Bùi Văn Thường - Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhiều người băn khoăn, huyết áp bao nhiêu thì có thể tiêm được? Hiện tại không có khuyến cáo huyết áp là bao nhiêu thì có thể tiêm vắc xin Covid 19. Không có chống chỉ định tiêm chủng cho bệnh nhân tăng huyết áp. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn nhất khi tiêm chủng, trước khi tiêm, huyết áp nên ở mức giới hạn bình thường (90-140mmHg với huyết áp tâm thu và 60-90mmHg với huyết áp tâm trương).

Mọi người cần lưu ý, khi huyết áp quá cao (kể cả tiêm hay không tiêm vắc xin) cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến cố tim mạch/ đột quỵ. Ngoài ra, huyết áp cao gây khó khăn cho việc theo dõi, đánh giá một số phản ứng sau tiêm, đặc biệt là các trường hợp phản vệ sau tiêm vắc xin. Các trường hợp dù đã tối ưu điều trị tăng huyết áp nhưng huyết áp vẫn cao thì cần được tiêm ở các cơ sở y tế có khả năng theo dõi, xử trí hồi sức tốt.

Người cao huyết áp sau tiêm phòng vẫn cần thực hiện theo dõi sức khỏe như hướng dẫn, tiếp tục duy trì uống thuốc huyết áp mỗi ngày theo đơn thuốc cũ, tuyệt đối không bỏ thuốc.