Học vấn quá cao ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý

(Dân trí) - Không chỉ những người có học vấn quá thấp so với yêu cầu công việc mà ngay cả những người học thức cao cũng có nguy cơ mắc phải những vấn đề về sức khỏe tâm lý.

Học vấn quá cao so với công việc cũng tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm

Học vấn quá cao so với công việc cũng tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm

 

Các nhà nghiên cứu cho biết những người mất quá nhiều thời gian để đạt được một trình độ học vấn vượt xa so với yêu cầu của công việc có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm rất cao.

 

Nghiên cứu đã phân tích thông tin từ hơn 16.600 người có việc làm ở độ tuổi từ 25 - 90 tuổi ở 21 quốc gia tại Châu Âu. Các nhà nghiên cứu đo mức độ trầm cảm của những người tham gia dựa trên những khảo sát và đã công bố kết quả vào hôm 10/8 tại hội thảo của Hiệp hội Xã hội học Mỹ.

 

Theo nhà nghiên cứu Piet Bracke, GS xã hội học của trường ĐH Ghent (Bỉ), lý do khiến những người có học vấn quá cao so với mức độ yêu cầu công việc của họ dễ bị ảnh hưởng xấu về mặt tâm lý là bởi họ không có những thử thách trong công việc và không được sử dụng hết những kỹ năng mà họ đã có được trong quá trình học tập.

 

Các nghiên cứu trước đây cũng đã chỉ ra rằng những người có trình độ học vấn thấp hơn yêu cầu của công việc có nguy cơ mắc phải những triệu chứng thường xuyên và nghiêm trọng của bệnh trầm cảm nhiều gấp 2 lần so với những người có trình độ học vấn quá cao so với công việc, tuy nhiên, nguy cơ mắc trầm cảm cũng tùy thuộc vào yếu tố quốc gia.

 

Nghiên cứu mới này cũng cho biết một quốc gia có nền giáo dục quá cao sẽ có những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe tâm lý của tất cả những người có bằng đại học vì sẽ rất khó khăn để giới chức trách có thể đảm bảo cho họ một công việc phù hợp và một mức lương xứng đáng.

 

Ông Bracke cho biết nếu như lợi ích kinh tế của giáo dục giảm thì nó sẽ dẫn đến những ảnh hưởng tâm lý tiêu cực đến tất cả những người có học vấn cao. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc mở rộng giáo dục đại học là cần thiết.

 

“Ở nhiều quốc gia phương tây, thị trường lao động thường chậm để bắt kịp với số lượng người lao động có trình độ học vấn ngày càng cao, từ đó dẫn tới việc thiếu những việc làm mang tính thách thức với những người có trình độ.  Đối với một quốc gia, số người được giáo dục đại học tăng lên thì thị trường lao động của quốc gia đó cũng nên được tăng lên theo cấp độ tương đương, nếu không sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm lý của người dân”, ông Bracke nói thêm.

 

Thời gian đầu, mọi người có thể làm công việc thấp hơn trình độ của mình, nhưng họ cần những cơ hội để tìm kiếm một vị trí phù hợp hơn trong vài năm tiếp theo, nếu không sự suy giảm về sức khỏe tâm lý là điều khó tránh khỏi.

 

Mai Phương

Theo Livescience