Đồng Tháp:

Học sinh nhập viện sau tiêm sở -rubella là do tâm lý dây truyền

(Dân trí) - (Dân trí) Sau khi tiêm chủng sởi - rubella, 11 học sinh của trường THCS Bình Tấn (xã Bình Tấn, huyện Thanh Bình) đều có chung triệu chứng muốn ói, mệt, khó thở… Nhiều phụ huynh cho rằng trẻ bị sốc sau tiêm và yêu cầu trạm y tế xã chuyển lên tuyến trên điều trị.

Theo báo cáo trạm y tế xã Bình Tấn, trong đợt tiêm chủng sởi - rubella đợt 3 dành cho lứa tuổi sinh năm 2000 - 2003, xã Bình Tấn có 429 trẻ cần được tiêm, trong đó trường THCS Bình Tấn đã có trên 350 trẻ cần tiêm.

Bác sĩ Phan Thanh Sơn, Trưởng Trạm Y tế (TYT) xã Bình Tấn cho biết, vào lúc 13h ngày 20/1, Trạm Y tế Bình Tấn tổ chức tiêm cho 66 học sinh lớp 7A1 và 7A2, trường THCS Bình Tấn, đến 15 giờ cùng ngày thì tiêm xong, theo dõi sau tiêm 30 phút các em bình thường, về lớp học tiếp. Đến 16 giờ có 1 học sinh than mệt, sau đó có nhiều em khác bảo mệt, buồn nôn, nôn, đau bụng, nhân viên y tế tiến hành khám bệnh các em này thì thấy mạch, huyết áp bình thường, không có dấu hiệu sốc phản vệ.

Do có học sinh mệt, ói nên cán bộ y tế đưa về Trạm Y tế theo dõi, xử trí bằng cách cho uống thuốc và 2 em được truyền dịch. Trong tổng số 11 ca đến Trạm Y tế có 2 ca bảo còn đau bụng nhiều và 2 ca bảo mệt nhiều đang truyền dịch cần chuyển tuyến trên để theo dõi tiếp. Tuy nhiên, liên hệ Bệnh viện đa khoa Thanh Bình thì xe đang đi chuyển bệnh nên không có xe cấp cứu. Do có xe tải chở dược liệu của Hội Đông y xã nên dưới sự yêu cầu quyết liệt của người nhà bệnh nhân cần chuyển gấp lên Bệnh viện đa khoa Thanh Bình điều trị nên Trạm Y tế cử cán bộ chuyển đi, lúc này người nhà các em xin lên xe đi theo.

 

Hiện 11 HS đã xuất viện và sức khỏe ổn định
Hiện 11 học sinh đã xuất viện và sức khỏe ổn định

Bác sĩ Lê Thị Bích Loan, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thanh Bình, cho biết, sau khi nhập viện được khoảng 1 giờ, 9 bệnh nhân đã ăn uống, đùa vui bình thường nên Trung tâm Y tế Thanh Bình cho xe cấp cứu đưa về, còn lại 2 em đang truyền dịch nên đến sáng 21/1 xuất viện.

Bác sĩ Sơn cho biết, đến nay thì sức khỏe các học sinh đã ổn định, dự kiến đến 24/1/2015 sẽ hoàn thành việc tiêm ngừa cho các học sinh còn lại của trường THCS Bình Tấn. Trạm Y tế cũng đã tổ chức cuộc họp với phụ huynh của 11 học sinh trên để giải thích các em không phải sốc phản vệ sau tiêm, về quy trình an toàn tiêm chủng được Trạm Y tế thực hiện nghiêm ngặt nên trong quá trình tiêm chủng không có xảy ra sai sót.

Kết luận về hiện tượng 11 học sinh trường THCS Bình Tấn có chung triệu chứng muốn ói, mệt, khó thở sau tiêm chủng, chiều 21/1, bác sĩ Đoàn Tấn Bửu, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết đó là triệu chứng hysterie (triệu chứng tâm lý dây truyền) chứ hoàn toàn không phải sốc phản vệ sau tiêm chủng. Cũng theo bác sĩ Bửu, trong ngày 21/1, lãnh đạo Sở Y tế đã đến phường Hòa Thuận, TP.Cao Lãnh kiểm tra việc tiêm chủng sởi - rubella cho HS, có 5 HS bảo “Con đau quá, con lo quá” (triệu chứng hysterie), tuy nhiên khi được cán bộ Sở Y tế tiếp xúc nói cười vui vẻ, chấn an, các em đã trở lại trạng thái bình thường.

Ngoài ra, bác sĩ Bửu cho rằng, việc đưa 11 học sinh đi cấp cứu tại bệnh viện cho thấy có sự hạn chế về mặt chuyên môn của nhân viên y tế trạm. Lẽ ra khi khám sàng lọc biết chắc rằng các em không có phản ứng sau tiêm mà mạnh dạn khẳng định với phụ huynh rằng đây chỉ là phản ứng tâm lý dây truyền hàng loạt xảy ra sau tiêm do yếu tố tâm lý, được giải quyết tại chỗ nên không cần nhập viện. 

Bác sĩ Bửu cũng khuyến cáo, sau tiêm chủng, để các em có cảm giác yên tâm, nhân viên y tế, cán bộ, giáo viên các trường nên nói cười vui vẻ, mở nhạc, phim hoạt hình, sinh hoạt văn nghệ cho các em khuây khỏa, từ đó các em quên cảm giác đau sau tiêm.

Được biết, chiến dịch tiêm chủng sở - rubella trong đợt 3 trên địa bàn tỉnh có số đối tượng tiêm là 94.836 trẻ sinh năm 2000 - 2003. Số điểm tiêm là 289 điểm được đặt tại các trường THCS và Trạm Y tế.

 

 H. N - Nguyễn Hành