Hoảng vì con có khối u vùng bụng, bác sĩ giải đáp online cho người bệnh
(Dân trí) - Ths.BS Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng phòng Công tác xã hội (Bệnh viện K) cho biết, trong chương trình trực tuyến mới nhất về phát hiện sớm khối u vùng bụng cho trẻ, hàng trăm bà mẹ kết nối nhờ bác sĩ tư vấn.
"Trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, các chương trình trực tuyến cập nhật kiến thức về ung thư, điều trị ung thư không chỉ có ý nghĩa với các bác sĩ tuyến dưới trong việc học hỏi, trao đổi kiến thức chuyên môn, mà với người bệnh, đây cũng là kênh để họ tiếp cận được chuyên gia đầu ngành, kết nối để chuyên gia giải đáp những thắc mắc về tình trạng bệnh của bản thân, của người nhà", BS Nguyễn Bá Tĩnh cho biết.
Vì thế, trong thời gian qua, Bệnh viện K liên tục tổ chức các buổi cập nhật kiến thức, giải đáp về các loại bệnh ung thư cho người dân. Như với ung thư trẻ em, liên tục 4 chuyên đề, gồm: Cập nhật các phương pháp chẩn đoán, điều trị ung thư trẻ em; Những lưu ý phát hiện sớm khối u vùng bụng; Những điều cần biết về u não và bệnh lý cột sống ở trẻ em...
Mới nhất, chuyên đề "Những lưu ý trong phát hiện sớm và điều trị u ổ bụng ở trẻ em", hàng trăm bà mẹ đã kết nối để mong được giải đáp về tình trạng của con mình.
Tham gia buổi trả lời trực tuyến, ngoài Ths.BS Hoàng Thu Trang, Phó trưởng khoa Nội Nhi (BV K), còn có sự tham gia của TS.BS Nguyễn Việt Hoa, Trưởng khoa phẫu thuật nhi (BV Việt Đức).
Theo TS Hoa, khối u vùng bụng ở trẻ em có cả u lành và u ác. Ngày nay, nhờ tiến bộ của các kỹ thuật siêu âm chẩn đoán trước sinh cho phép phát hiện khối u từ trong bào thai, sau sinh được theo dõi, chẩn đoán.
"Với u vùng bụng ở trẻ em, khối u lành nhiều hơn u ác tính. Các u lành như u nang mạc treo, mạc nối, u nang sau ổ bụng, khối u tổ chức mang tính chất hỗn hợp - u lành. Hay ở trẻ gái có thể gặp u nang buồng trứng, u quái buồng trứng, lành tính. Trẻ trai hay gặp khối u tinh hoàn lành tính", BS Hoa thông tin.
Trong khi đó, BS Trang thông tin, những khối u ác tính vùng bụng có thể gặp như u thượng thận, u gan, u quái vùng buồng trứng, ổ bụng, khối u tinh hoàn, u do sự di lệch vị trí như thận lạc chỗ, dị tật thận, u ở các bệnh hệ thống.
"Vì thế, nếu có nghi ngờ khối u ổ bụng, việc cần làm là chuyển trẻ lên bệnh viện chuyên khoa để đánh giá u lành hay u ác tính", TS Hoa khuyến cáo.
Trong khi đó, tại Hội thảo khoa học trực tuyến cập nhật chẩn đoán và điều trị ung thư cho trẻ em" lại thu hút sự tham gia của các bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ y tế tại các Bệnh viện và Trung tâm Ung bướu nhi khoa trong cả nước. Hội thảo này là một trong các hoạt động quan trọng thuộc Chương trình thúc đẩy ung thư trẻ em của Tổ chức Y tế thế giới, hiện đang triển khai tại một số quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, tình hình mắc, tử vong do ung thư trên toàn thế giới có xu hướng tăng. Mặc dù ung thư ở trẻ em là nhóm bệnh tương đối hiếm gặp, số ca ghi nhận dưới 15.000 trường hợp, khoảng 1.500 trường hợp tử vong hàng năm trong nhóm trẻ em từ 0 đến 14 tuổi. Tuy nhiên, ung thư lại là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở trẻ em, sau chấn thương.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế giới, khả năng sống thêm và chất lượng cuộc sống sau chẩn đoán ung thư ở trẻ em có mối liên hệ chặt chẽ với thu nhập của quốc gia đang sinh sống. Ở các quốc gia có thu nhập cao, nơi mà các dịch vụ chăm sóc y tế toàn diện thường được tiếp cận, hơn 80% trẻ em mắc bệnh ung thư được chữa khỏi; so với 15-45% ở các nước có thu nhập thấp và trung bình (LMIC). Việc cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc bệnh nhi ung thư (bao gồm cả các loại thuốc, công nghệ thiết yếu) và nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị là nền tảng quan trọng giúp cải thiện kết quả điều trị ở trẻ em mắc ung thư.
Hội thảo có sự tham gia của GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cùng với sự tham gia trình bày của hơn 20 chuyên gia quốc tế đến từ Bệnh viện St. Jude (Hòa Kỳ), Viện Cure (Pháp), các Giáo sư đầu ngành đến từ Anh Quốc, Singapore, Ấn Độ, các chuyên gia Việt Nam với sự tham dự của hơn 350 đại biểu là các cán bộ y tế chuyên ngành ung thư nhi nói riêng và ung thư, nhi khoa nói chung.
Hội thảo bàn luận các nội dung: Tình hình ung thư trẻ em trên thế giới và tại Việt Nam; Chương trình Ung thư trẻ em của Tổ chức Y tế thế giới; Các nội dung cập nhật chẩn đoán, điều trị u hệ thống thần kinh trung ương và các u ác tính ổ bụng, ung thư xương nguyên phát, ung thư huyết học trẻ em, vai trò của sinh học phân tử và di truyền trong ung thư trẻ em.
"Trong thời gian tới, Bệnh viện K cùng các đơn vị ung thư nhi khoa trên cả nước cần xây dựng các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cho một số bệnh ung thư nhi khoa thường gặp; tăng cường Hợp tác quốc tế - Nghiên cứu khoa học, xây dựng mạng lưới các tổ chức, chuyên gia hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cán bộ y tế cũng như hợp tác triển khai các nghiên cứu trong lĩnh vực ung thư trẻ em cũng như xây dựng kế hoạch và hoạt động cụ thể nâng cao năng lực ung thư trẻ em, trong nội dung Kế hoạch quốc gia phòng chống ung thư hướng tới chăm sóc toàn diện cho trẻ em không may mắc bệnh ung thư", GS.TS Trần Văn Thuấn chỉ đạo.
Ông Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới cho biết, Việt Nam là một trong ba quốc gia ở Khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO nhận được sự hỗ trợ từ Bệnh viện St Jude thông qua WHO để thực hiện Sáng kiến Toàn cầu về Ung thư Trẻ em. Đây là cơ hội tốt để củng cố căn bệnh ung thư trẻ em ở Việt Nam. Tổ chức Y tế thế giới cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ với các đối tác, trong đó có Việt Nam để nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị cho cán bộ y tế, nâng cao nhận thức cộng đồng, vận động chính sách cũng như xây dựng ghi nhận ung thư trẻ em.