Hoang mang “chất rửa bồn cầu” làm mềm thịt

(Dân trí) - Những thông tin về “chất rửa bồn cầu” làm mềm thịt, “thạch cao” trong đậu phụ, “chất ướp xác” trong giò chả… khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng. Thực hư những gia vị “rùng rợn” này có được sử dụng trong thực phẩm hay không?

Hoang mang “chất rửa bồn cầu” làm mềm thịt

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, một thời gian, dư luận xôn xao khi có thông tin nhiều nhà hàng dùng “chất rửa bồn cầu” để làm mềm thịt.

Theo phản ánh, chỉ cần cho gói gia vị có “chất rửa bồn cầu” này vào nồi thịt hầm, thì thịt già, rai đến mấy chẳng mấy cũng trở nên nhừ, mềm, ngon. Thời điểm đó, trước thông tin này, Cục an toàn thực phẩm cũng đã lấy mẫu gia vị làm mềm thịt trên thị trường để kiểm tra, cho thấy đó là những chất được dùng trong thực phẩm.

Mới đây nhất, đầu tháng 12/2013, Chi cục An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh  3 mẫu chất làm mềm thực phẩm để kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy, 3/3 mẫu đã định danh hóa chất là hỗn hợp natri carbonatenatri bicarbonate (hóa chất được phép sử dụng trong thực phẩm); 3/3 mẫu được kiểm nghiệm có hàm lượng Chì nằm trong giới hạn cho phép (02 mẫu không phát hiện, 1 mẫu nằm trong giới hạn cho phép).

Natri carbonatenatri bicarbonate hóa chất được dùng trong thực phẩm, nhưng nhiều người lại nhầm lẫn với hóa chất bào mòn dùng trong ngành công nghiệp để nấu thủy tinh, xà phòng, hóa chất tẩy rửa. Ngay trong vụ Rượu nếp 29 Hà Nội mới đây, cồn thực là loại được sử dụng để pha rượu, nhưng đã xảy ra nhầm lẫn, dẫn đến việc sử dụng cồn công nghiệp methanol để pha rượu, gây hậu quả 6 người tử vong, hơn chục người bị ngộ độc”, ông Phong nói.

Hay như thông tin phát hiện “thạch cao” trong đậu hũ khiến nhiều người tiêu dùng tẩy chay “oan” một sản phẩm tốt cho sức khỏe. Bởi chất làm trong đậu phụ là chất nằm trong danh mục, đảm bảo độ tinh tiết và được sử dụng trong đậu phụ chứ không phải là “thạch cao” làm tường như người dân lầm tưởng.

Theo ông Phong, phụ gia thực phẩm quan trọng và cần thiết, hỗ trợ trong quá trình chế biến để cho ra các sản phẩm an toàn. Sử dụng đúng cách, phụ gia thực phẩm giúp kéo dài thời gian bảo quản, tăng độ hấp dẫn cho sản phẩm, hỗ trợ quá trình chế biến. “Nhu cầu sử dụng phụ gia rất quan trọng nhưng phải đúng quy định. Trước tiên là phải đảm bảo phụ gia thực phẩm nằm trong danh mục cho phép. Thứ hai là đảm bảo độ tinh khiết. Thứ 3 là đúng nồng độ, liều lượng, đúng loại thực phẩm”, ông Phong nói.

Hiện nay Bộ y tế đã có các quy định về việc sử dụng phụ gia và danh mục phụ gia thực phẩm. Bộ Y tế cũng thường xuyên giám sát, kiểm tra việc sử dụng các phụ gia thực phẩm. Tuy nhiên trên thực tế, vẫn có những cơ sở vì lợi nhuận, vì ý thức người kinh doanh vẫn có những vi phạm, sử dụng những phụ gia thực phẩm cùng tên nhưng lại không đảm bảo độ tinh khiết, gây nguy hại đến sức khỏe người sử dụng. Vì vậy, Cục An toàn twhjc phẩm thường xuyên chỉ đạo chi cục An toàn thực phẩm các địa phương tiến hành hậu kiểm, lấy mẫu kiểm tra kịp thời phát hiện những nguy cơ để cảnh báo người dân.

Như trước thông tin Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), phát hiện hàng chục chai dung dịch đựng chất lỏng, xác định là mù-tạt, gia vị nước lẩu và gia vị phở gà, Cục An toàn thực phẩm đã  yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội, Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia nhanh chóng triển khai các hoạt động giám sát thông tin, kiểm tra sản phẩm gia vị lưu thông trên thị trường. Lấy mẫu những sản phẩm gia vị nghi ngờ. Chú trọng những cơ sở nguy cơ cao trong kinh doanh, sử dụng sản phẩm, cơ sở chế biến nước phở trên địa bàn. Kiểm nghiệm những chỉ tiêu an toàn đối với sản phẩm, tập trung kiểm nghiệm các chỉ tiêu như phẩm mầu, chất bảo quản, kim loại nặng đối với các sản phẩm nghi ngờ trên.

Mới đây nhất, thông tin gà thịt sẵn có màu đẹp vì… tẩm sắt, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội đã lấy mẫu ngẫu nhiên và kiểm nghiệm định tính phẩm màu kiềm và hàm lượng sắt trong 05 mẫu sản phẩm gà thịt sẵn tại 05 chợ trên tại 4 quận/huyện của thành phố Hà Nội.

Kết quả cho thấy 05/05 mẫu đều âm tính với phẩm màu kiềm và hàm lượng sắt ở dưới mức giới hạn quy định (theo Thông tư số 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 của Bộ Y tế về hướng dẫn quản lý phụ gia thực phẩm).

Mặt hàng bắp rang bơ tại TP Hồ Chí Minh cũng từng bị khốn đốn vì thông tin sử dụng chất tạo mùi, tuy nhiên qua kiểm tra, lấy ngẫu nhiên một số mẫu bắp rang bơ và kiểm nghiệm chỉ tiêu chất tạo mùa Diacetyl tại 04 địa điểm kinh doanh sản phẩm này trên địa bàn 04 quận (Q.1, Q.Tân Phú, Q.Thủ Đức, Q.Bình Thạnh) cho thấy các mẫu đều âm tính với Diacetyl.

Hay như với mặt hàng được sử dụng rất nhiều trong các dịp lễ Tết, nhiều người tiêu dùng khi sử dụng đều “mặc định” suy nghĩ có rất nhiều hàn the trong giò chả, nhưng kết quả kiểm nghiệm mẫu ngẫu nhiên trong 10 mẫu  sản phẩm giò, chả (5 mẫu giò, 5 mẫu chả) được lấy tại 8 chợ tạm trên địa bàn thành phố Hà Nội vào ngày 22/10/2013 không phát hiện hàn the.

“Nhu cầu sử dụng phụ gia là chính đáng với cơ sở kinh doanh, vừa tăng thời gian bảo quản thực phẩm, vừa tăng giá trị thơm ngon của sản phẩm. Vì thế, bên cạnh việc thường xuyên kiểm tra, hậu quả, chúng tôi rất mong ý thức tự giác chấp hành của người kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm đúng quy định. Trước hết  là phải đảm bảo phụ gia thực phẩm nằm trong danh mục cho phép. Thứ hai là đảm bảo độ tinh khiết. Thứ 3 là đúng nồng độ, liều lượng, đúng loại thực phẩm”, ông Phong cho biết.

Băng Thu