Hoảng hốt con nổi mảng đỏ toàn thân sau đêm Noel

(Dân trí) - Háo hức đêm Noel, chị Liên (Ô Chợ Dừa, Hà Nội) cho con ra một trung tâm thương mại chơi. Đêm về nhà, con chị vật vã, khó chịu, hai mí mắt con sưng vù, tai đỏ, toàn bộ vùng cổ, lưng nổi mảng đỏ.

Nổi mề đay vì trời lạnh
 
Chị Liên chia sẻ, cứ nghĩ đến đêm qua đưa con đi chơi ở trung tâm thương mại mà thấy “liều”. “Đúng là biển người. Đã lỡ vào, đã lỡ mua vé rồi đành cho con chơi. Ngoài trời rét mướt là thế mà trong phòng bọn trẻ giật tung hết áo vẫn mồ hôi mướt mả, hơi người nồng nặc. Khi về lại mặc một đống đồ vào người mà vẫn buốt thấu xương”, chị Liên nói.
 
Những mảng mề đay nổi trên mặt, tai khiến trẻ rất ngứa ngáy, khó chịu. Ảnh: H.Hải
Những mảng mề đay nổi trên mặt, tai khiến trẻ rất ngứa ngáy, khó chịu. Ảnh: H.Hải
 
Những tưởng mình con mình bị nổi mẩn đỏ, nhưng khi vào khoa Nhi (BV Bạch Mai) tối qua, cũng rất nhiều bé tới khám, ngoài sốt cao, ho thì cũng có những trẻ bị mẩn ngứa, bứt dứt, khó chịu như con của chị. “Sáng nay, lên chia sẻ với đồng nghiệp cơ quan, con mình cũng không phải là cá biệt. Đợt lạnh này, nhiều trẻ bị nổi mề đay và phải uống thuốc chống dị ứng”.
 
Bác sĩ Vũ Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội, cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến nổi mề đay cấp, như tiếp xúc với dị nguyên lạ, ăn thức ăn lạ… và cả nổi mề đay do dị ứng thời tiết lạnh. “Các nốt mề đay này khi nổi khi lặn. Hôm đưa con đi khám, vì mắt con sưng, tai đỏ, lưng nổi những mảng đỏ như cơm cháy, bác sĩ kê thuốc kháng histamin và thuốc chống viêm, dặn cho con uống thấy lặn thì thôi. Mình về cho con uống có lần thấy lặn, không cho uống nữa. Không ngờ đêm đó, con vật vã khó ngủ, bắt bế cả đêm, bật đèn lên quan sát thấy mặt con nổi cả mảng đỏ, rồi từ cằm dọc xuống cổ, nổi từng mảng”, chị Hương (Phương Mai, Hà Nội) cho biết.

Bác sĩ Nguyễn Thành, Viện Da liễu Trung ương, cho biết, nhiều bà mẹ ôm con tới viện đầy lo lắng khi “tả” về những mảng đỏ to nhỏ khác nhau lúc xuất hiện, lúc lại biến mất trên người con. Và khi “mọc” những mảng đỏ này trẻ đều rất ngứa ngáy, khó chịu.

“Thời tiết lạnh mấy ngày nay là một điều kiện thuận lợi cho người có cơ địa dị ứng dễ bị mề đay. Trong đó nổi mày đay vì lạnh là một bệnh dị ứng khá phổ biến, nhất là trẻ em. Những mảng đỏ này nếu chỉ là mề đay đơn thuần, ở ngoài ra thì không gây hại gì ngoài chuyện trẻ… ngứa. Và với trẻ nhỏ, bị ngứa mà không thể hiện được ra ngoài, không được ngãi (do không biết nói) sẽ khiến trẻ quấy khóc”, BS Thành nói.

Không tùy tiện dùng thuốc bôi

Theo các chuyên gia, mề đay cấp dễ phát hiện bởi biểu hiện rõ ràng, nổi mảng đỏ toàn thân và những mảng đỏ này khi xuất hiện, khi lại lặn mất, da lại trở nên nhẵn bóng. Tuy nhiên việc điều trị khó khăn bởi khó xác định nguyên nhân. Đó là lí do có trẻ vừa uống thuốc chống dị ứng đã hết luôn, nhưng ngừng thuốc lại tiếp tục bị nổi nhiều mảng mề đay mới.

“Khi bị bệnh, bác sĩ thường kê thuốc chống dị ứng cho trẻ uống để chữa mề đay cấp. Còn về cơ bản, đây là bệnh dị ứng nên tùy từng cơ địa mỗi người bệnh sẽ tự hết nhanh hay muộn”, BS Thành nói.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, người dân tuyệt đối không tự dùng các thuốc bôi chứa corticoid cho trẻ. Vì đây là bệnh dị ứng, có thể nổi ở bất cứ vùng da nào và tự lặn đi, khi thoa kem bôi ít hiệu quả, chưa kể nguy cơ từ thuốc bôi chứa corticoid có thể gây teo da nếu bôi lâu, trên diện rộng.

Để phòng nguy cơ nổi mề đay do dị ứng thời tiết, về  mùa đông cần giữ ấm, khi đi ra ngoài gió cần che khẩu trang, đi găng tay, tất chân… Còn nếu nổi mề đay cấp, thường bệnh sẽ tự hết mà không phải dùng thuốc. Tuy nhiên nếu thấy bệnh diễn tiến nặng lên, nên đi khám bác sĩ da liễu để được hướng dẫn dùng thuốc dị ứng.

Mề đay cấp ở trẻ em cần đặc biệt lưu ý, nhất là nếu trẻ có hiện tượng nổi ban đột ngột làm sưng to cả một vùng (mí mắt, môi, bộ phận sinh dục ngoài, niêm mạc...), cho cảm giác căng nhiều hơn ngứa, có thể kèm theo nổi mề đay thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến viện khám. Vì đây là một thể đặc biệt của mề đay, còn gọi là Phù quincke, tức là không chỉ nổi mề đay ở bề mặt da mà còn nổi mề đay ở thanh quản, đường ruột... gây nguy hiểm cho bệnh nhân, buộc phải nhập viện điều trị. 

Hồng Hải