Hoảng hồn gương mặt lốm đốm nốt trắng, nốt đen vì đắp lá trầu làm đẹp
(Dân trí) - Khi tới bệnh viện khám, chị N.T.H (50 tuổi, Hà Nội) chỉ trực phát khóc khi nhìn những nốt lốm đốm đen, trắng trên khuôn mặt mình. Suốt 3 năm qua, chị cứ cố dùng bài thuốc lá trầu không của dân tộc Dao để chữa nám. Đến khi gương mặt xuất hiện quá nhiều nốt đốm không đều màu, chị mới bất lực chạy đến bệnh viện.
Ngỡ đẹp hóa lốm đốm trên da
Ths.BS Hoàng Văn Tâm, Phó trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh (BV Da liễu Trung ương) cho biết, bản thân anh đang một lúc điều trị cho 4 bệnh nhân với những biểu hiện da bất thường sau một thời gian dùng lá trầu không chữa nám, làm đẹp.
Bệnh nhân 50 tuổi ở Hà Nội đã dùng phương pháp đắp lá trầu không của dân tộc Dao để chữa nám má được gần 3 năm. “Bệnh nhân kể, ban đầu khi mới dùng, chỉ đắp đều đặn 1 tuần da đã sáng trắng, vết nám da mờ hẳn. Dùng sau một tháng, làn da trắng hồng, không còn vết tích gì của nám, đẹp như da Ngọc Trinh.
Thế nhưng, sau khi ngừng đắp 1 – 2 tuần, các vết nám má và tăng sắc tố phát triển trở lại, đậm màu hơn cả khi đắp. Cứ thế, bệnh nhân quay cuồng trong vòng tròn đắp lá - dừng - bị lại và lại quay trở lại đắp lá”, BS Tâm cho biết.
Cách đây 1 tháng, khi thấy các nốt lốm đốm trắng, đen trên mặt quá trầm trọng, chị mới đến BV Da liễu Trung ương khám, qua lời giới thiệu của chính một người quen cũng lãnh hậu quả của việc đắp lá trầu không làm đẹp.
“Khi khám toàn bộ da mặt thấy các nốt màu đen xen kẽ nốt trắng giảm sắc tố, da mặt không có các dấu hiệu khác như dậm lông, teo da giãn mạch, nghĩ nhiều đến bệnh tăng giảm sắc tố kiểu rắc hoa giấy và điều trị tình trạng tăng sắc tố trước, sau 1 tháng bệnh cải thiện được khoảng 40%”, BS Tâm cho biết.
Bệnh nhân thứ hai là nữ 40 tuổi ở Hải Dương cũng gắn bó với phương pháp chữa nám má 3 tháng trời tại spa. Thời gian đầu, da bệnh nhân đẹp lên trông thấy, nhưng sau 3 tháng bôi, trên khuôn mặt bị bị cả một mảng da to giảm sắc tố, trắng bệch hơn so với vùng da khác.
Khi đến BV Da liễu Trung ương khám, bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm da tiếp xúc giảm sắc tố gây trắng mảng da như bệnh bạch biến, nghi do chất có chứa thuốc tẩy.
Hiểm họa từ đắp lá trầu không.
BS Tâm cho biết, các bác sĩ da liễu gặp khá nhiều bệnh nhân đến vì tổn thương da đen, trắng xen kẽ nhau sau khi tự sử dụng lá trầu không hoặc sản phẩm từ lá trầu không bán trên mạng.
Tất cả bệnh nhân đến viện khi gặp hậu quả do sử dụng lá trầu không đều bị các bệnh như rám má, tàn nhang… hoặc đôi khi muốn da trắng hồng như thiên thần. Có người dùng bài thuốc có lá trầu, kem bôi không rõ nguồn gốc, hay trực tiếp đắp lá trầu không (đã được hấp chín, để nguội) lên mặt trước khi đi ngủ.
Trong khi đó, thành phần lá trầu không có chất phenolic compounds có tác dụng làm trắng mạnh, nên hiệu quả trắng da rất rõ rệt. Tuy nhiên, vì tác dụng làm trắng quá mạnh nên nó cũng gây nhiều tác dụng phụ.
BS Tâm khám cho một trường hợp giảm sắc tố. Ảnh: H.Hải
Theo đó, khi sử dụng phương pháp đắp lá trầu không, hoặc sản phẩm từ lá trầu không, trong 3 ngày đầu bệnh nhân có cảm giác kích ứng nhẹ như đỏ da, châm chích sau đó cảm giác này mất đi. Trong nghiên cứu ở Đài Loan trên 15 bệnh nhân, 8/15 bệnh nhân nhận thấy rằng trắng da xuất hiện trong vòng 1 tuần sau đắp, trong đó có 3 bệnh nhân hiệu quả thấy được sau 3 ngày.
"Tác dụng trắng da này nhanh hơn bất kì loại thuốc làm trắng hiện tại trên thị trường, vì thế, các bệnh nhân đều bị mê hoặc trong giai đoạn đầu, thấy da đẹp lên từng ngày, nên khi xuất hiện các nốt tăng, giảm sắc tố bệnh nhân đều rất sốc vì đang đẹp trở nên xấu quá nhanh", BS Tâm nói.
Do tính chất làm trắng mạnh, sau giai đoạn tưởng như da đã đẹp hơn thì bệnh nhân lại bước vào giai đoạn thứ 2 là tăng sắc tố sau viêm. Và ở giai đoạn 3 là giảm sắc tố hình chấm trên nền tăng sắc tố, gây nên các nốt trắng, đen lốm đốm trên gương mặt.
Theo BS Tâm, việc điều trị tăng sắc tố sau viêm phụ thuộc vào vị trí (thượng bì hay trung bì). Nếu ở vị trí thượng bì để điều trị thường sau vài tháng ổn. Nhưng như trường hợp bệnh nhân 50 tuổi sử dụng liên tiếp trong gần 3 năm, vị trí tăng sắc tố đã ở vùng trung bì nên điều trị khó khăn hơn, kéo dài hơn.
"Bệnh nhân cũng phải chấp nhận thực tế khi ngừng sử dụng trầu không để đắp mặt và điều trị da mặt bệnh nhân sẽ đen hơn, kiên trì điều trị thường sau 1 năm da có thể phục hồi đạt 70 - 80% ở trạng thái bình thường. Một số ít bệnh nhân nếu điều trị thuốc bôi không đáp ứng, có thể thêm phương pháp chiếu đèn, thậm chí ghép da nếu thất bại", BS Tâm cho biết.
BS cũng khuyến cáo những tác động gây tăng, giảm sắc tố việc điều trị rất lâu dài, kiên trì,vì thế ông không khuyến cáo chị em dùng sản phẩm này để chữa nám da hay với mục đích làm trắng da. Vì không sớm thì muộn, các tác động xấu sẽ ngày càng rõ ràng do chất làm trắng quá mạnh. Để có làn da khỏe, chị em cần thực hiện chống nắng, dưỡng ẩm, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước.
Ngoài ra có thể sử dụng các nguyên liệu thiên nhiên như nha đam, trà xanh, đắp mặt nạ trái cây... tuy có tác dụng làm trắng chậm nhưng dùng được lâu dài và an toàn. Các phương pháp này cũng mang hiệu quả duy trì rất tốt với những trường hợp sau điều trị rám má, làm trắng da tấn công, sau đó sử dụng các nguyên liệu này để duy trì.
Hồng Hải