Hoàn tất tiêm thử nghiệm mũi 1 vắc xin Covivac
(Dân trí) - Toàn bộ 120 tình nguyện viên đã được tiêm mũi 1 vắc xin Covid-19 Việt Nam Covivac.
Thông tin được chia sẻ bởi PGS.TS Vũ Đình Thiểm, Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.
Theo PGS Thiểm, đến nay vẫn chưa ghi nhận phản ứng bất thường ở các tình nguyện viên. Các phản ứng phụ ghi nhận đều chỉ ở mức nhẹ và trung bình như: đau nhức vùng tiêm, đau mỏi cơ, sốt nhẹ. Tình trạng sức khỏe của các tình nguyện viên đều ổn định.
Hiện tại Đại học Y Hà Nội vẫn đang tiếp tục tiêm mũi vắc xin Covivac thứ hai cho các tình nguyện viên đã đủ 28 ngày kể từ tiêm mũi đầu tiên.
"Theo dự kiến, toàn bộ mũi thứ hai của giai đoạn thử nghiệm đầu tiên sẽ được hoàn tất tiêm thử vào ngày 15/5. Cuối tháng 5, chúng tôi sẽ có báo cáo lên Bộ Y tế. Nếu được thông qua, giai đoạn thử nghiệm thứ hai sẽ được triển khai vào tháng 6, tại Trung tâm Y tế huyện Vũ Thư, Thái Bình", PGS Thiểm cho hay.
120 tình nguyện viên thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 được chia thành 5 nhóm để tiêm với các mức liều khác nhau: 3 nhóm vắc xin không có tá chất với các mức liều: 1mcg; 3mcg; 10mcg; 1 nhóm vắc xin mức liều 1mcg có bổ sung tá chất; 1 nhóm gồm 20 người tiêm giả dược (nước muối vô trùng dùng để tiêm) để so sánh với những nhóm tiêm vắc xin trên.
Theo TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC, vắc xin Covivac được phát triển trên công nghệ truyền thống là nuôi cấy trên trứng gà có phôi. Đây là công nghệ đã được IVAC phát triển vắc xin cúm mùa.
Quy trình sản xuất vắc xin Covivac có thể được tóm gọn như sau:
- Trứng sạch của giống gà Pháp phù hợp với nghiên cứu sẽ được lựa chọn để nuôi cấy. Trứng đã được ấp nên đã hình thành phôi lẫn dịch niệu đệm.
- Chủng virus được tiêm vào dịch niệu đệm của trứng. Đây là công đoạn nuôi cấy virus.
- Khi virus đã nhân bản bên trong túi dịch thì hút dịch chứa virus ra ngoài.
- Tiến hành tinh chế, lọc tách để lấy virus và dùng hóa chất để bất hoạt virus. Bản thân virus không còn khả năng gây bệnh nhưng vẫn giữ nguyên đặc tính ban đầu. Virus bất hoạt này được sử dụng để bào chế và sản xuất vắc xin.
Nhà máy sản xuất vắc xin của IVAC đạt chuẩn GMP - WHO, quy mô ước tính 6 triệu liều/năm, có thể mở rộng lên 30 triệu liều/năm. Một mẻ sản xuất ước tính khoảng 50.000-100.000 liều.