Hoa hậu HIV Việt Nam đầu tiên, giờ ra sao?

Mang trong mình căn bệnh HIV gần chục năm, Trần Thị Huệ vẫn khỏe mạnh, tràn đầy sức sống và lúc nào cũng tươi cười rạng rỡ.

Huệ sinh năm 1983, quê xã Chính Kỳ, huyện Lý Nhân, Hà Nam. Cô đoạt giải cao nhất cuộc thi Hoa hậu "Dấu cộng duyên dáng" 2010 dành cho những người phụ nữ bị nhiễm HIV. 

 

Chồng và con trai nhỏ đều nhiễm HIV

 

Là con thứ 3 trong một gia đình nhà nông, cái nghèo buộc chị phải nghỉ học từ lớp 9, lên Hà Nội mưu sinh với gánh hàng rong. Ở đây, chị đã gặp được anh, người con trai cùng xã Chính Kỳ làm nghề xe ôm, hơn chị 10 tuổi.

 

Trần Thị Huệ ngày đăng quang Hoa hậu Dấu cộng duyên dáng 2010

Trần Thị Huệ ngày đăng quang Hoa hậu Dấu cộng duyên dáng 2010

 

Năm 2001, họ kết hôn, rồi Huệ sinh con trai đầu lòng. Nhưng hạnh phúc thật ngắn ngủi, khi con trai chị được 2 tuổi, sau một trận ốm cháu bị câm điếc, từ đấy chưa kịp gọi một tiếng "mẹ" yêu thương. Vượt qua nỗi khổ đau thất vọng, chị cùng chồng cần mẫn làm lụng để trang trải cuộc sống. Nhưng rồi số phận lại một lần nữa trêu ngươi Huệ.

 

Năm 2005, vợ chồng chị sinh tiếp đứa thứ hai, khi cháu được 13 tháng tuổi thì chồng đổ bệnh. Mồng 8 Tết năm 2006, hai vợ chồng tất tưởi lên BV Bạch Mai (Hà Nội) làm thủ tục xét nghiệm, kết quả dương tính. Đứa con thứ hai còn ẵm ngửa của anh chị cũng có HIV.

 

Huệ nhớ lại nói: “Lúc đó, em đứng đờ ra như người mất trí, không tin vào sự thật. Khi biết mình cũng bị nhiễm, em sợ bố mẹ sẽ không thể chịu đựng được nên đã giấu kín. Chị gái em cũng bị nhiễm H từ chồng nên bố mẹ em đã rất buồn".

 

Mãi tới khi Huệ bị ốm phải vào viện, bố mới biết. Một thời gian dài, cả gia đình chị chìm trong nỗi buồn. "Bố là người cũng rất hay khóc, nhưng khi nhìn thấy mình ốm, bố chỉ nói "mọi gánh nặng bố mẹ đều có thể gánh cho con nhưng bệnh mang trong mình con, bố mẹ muốn gánh cũng không được.

 

Tháng 10/2007, Huệ đưa cả chồng và con thứ hai vào miền Nam, thuê một phòng trọ ở Thủ Đức, ngày ngày đi khắp các con phố Sài Gòn để bán bong bóng. Thu nhập từ bán bong bóng may mắn thì có ngày chị được 100.000 đồng nhưng chi phí tiền nhà, ăn ở, tiền thuốc của vợ chồng... khiến Huệ nhiều khi kiệt sức. Riêng tiền thuốc của anh mỗi tháng đã 1- 2 triệu đồng. Nhiều khi bị cảm sốt, cầm tiền đi mua thuốc cho chồng mà Huệ không dám mua một viên thuốc cảm cho mình.

 

Huệ kể: "Thời gian đầu uống thuốc ARV, cơ thể mình đau ê ẩm, ngồi không ngồi được, nằm không nằm được, nhưng hàng ngày vẫn phải đi bán bong bóng. Có khi sốt nóng sốt rét, đi bán xa hàng chục cây số chưa bán được đồng nào nên không dám về nhà".

 

Ở trong Nam được gần nửa năm, Huệ cùng chồng con quay ra Hà Nam. Cuộc đời của chị tiếp tục những chuỗi ngày bất hạnh cho đến năm 2008, người chồng ra đi mãi mãi.

 

Tình yêu chắp cánh

 

Tháng 7/2009, tại một khóa học về kỹ năng thuyết trình cho tuyên truyền viên đồng đẳng về nhiễm HIV ở Hà Nội, chị gặp anh Nguyễn Hồng Nghĩa. Từ đó, hai người sau đấy thường xuyên liên lạc qua điện thoại. Họ an ủi nhau bởi những câu chuyện đời cùng cảnh ngộ.

 

Trần Thị Huệ ngày đăng quang Hoa hậu Dấu cộng duyên dáng 2010

Với Huệ, hạnh phúc là đứa con nhỏ cô đang ôm trong tay và chồng khỏe mạnh, không bị căn bệnh HIV “hành”.

 

Anh Nghĩa, nhiều năm chán chường khi phát hiện mình nhiễm HIV, lần đầu tiên cảm thấy cuộc sống mình khác đi vì tình yêu với chị.

 

“Mẹ rất xúc động khi biết con trai mình hình như đã có tình yêu”, chị Huệ nhớ lại. Nỗi nhớ nhung quá lớn, anh Nghĩa xin mẹ vào Sài Gòn và cũng mong được gần người con gái đã làm cuộc sống của mình có ý nghĩa. Mẹ anh không do dự khi tin vào hành trình đi tìm tình yêu của con.

 

Giữa Sài Gòn, Huệ hướng dẫn anh đi bán bong bóng trên khắp những nẻo đường. Anh Nghĩa trước vốn được nuông chiều, lần đầu tiên bươn bả suốt ngày trên những con đường đầy khói bụi, kiếm từng đồng tiền lẻ khiến anh càng khâm phục Huệ hơn. Họ quyết định về sống trong một gia đình vào tháng 1/2010.

 

Hiện tại, Nghĩa làm lái xe, còn Huệ làm tuyên truyền viên có lương của Trung tâm Sức khỏe Phụ nữ Hà Nội. Để trang trải cuộc sống, chị đi làm thêm cho một quán cơm văn phòng. Hai vợ chồng chỉ có chung một chiếc xe nên mỗi sáng đưa con đi học ở trường câm điếc Xã Đàn, đưa chồng đến chỗ làm, chị mới đến quán cơm làm đến 2 - 3 giờ chiều.

 

Chiều về chị đi tiếp cận tuyên truyền đồng đẳng đến 10h tối. Thời gian này, công việc quá nhiều, sức khỏe lại yếu nên chị nghỉ làm ở quán cơm.

 

Hiện nay, hạnh phúc với Huệ là "Cháu bé đang sống chung với HIV nhưng rất may, sức khỏe của cháu rất tốt. Anh Nghĩa và em vẫn khỏe mạnh, không có biểu hiện gì là của người mắc bệnh cả", cô nói.

 

Theo Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm