Hóa chất khiến muỗi trưởng thành chết tức thì sau 5 phút

(Dân trí) - Chiến dịch phun hóa chất tại nhiều điểm nóng của Hà Nội để diệt muỗi truyền sốt xuất huyết (SXH) có mang lại hiệu quả khi vừa phun dứt trời mưa như trút nước? Phun muỗi đã đủ mang lại hiệu quả phòng bệnh? Người dân không “hợp tác” phun muỗi có bị phạt tiền?

TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội. Ảnh: H.Hải
TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội. Ảnh: H.Hải

TS Nguyễn Nhật Cảm (ảnh), Giám đốc Trung tâm Y tế Hà Nội chia sẻ với phóng viên Dân trí xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, Hà Nội vừa thực hiện chiến dịch phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng ở những điểm nóng sốt xuất huyết. Tuy nhiên những ngày qua, khi vừa phun xong trời mưa như trút, việc phun hóa chất có diệt được muỗi hay bao công sức, tiền bạc“đổ sông, đổ biển”?

Đợt 1 của chiến dịch được thực hiện rạng sáng ngày 14/8, hơn 40 máy phun đeo vai, một máy phun mù nóng, một máy phun công suất lớn đặt trên ô tô đã tỏa ra các đường, ngõ, hộ dân, cơ quan, trường học... để phun thuốc diệt muỗi. Một máy phun mù nóng cũng được huy động xịt thuốc tại các bãi đất, khu vực nghĩa trang…

Khi phun hóa chất diệt muỗi người dân cần đậy kín các dụng cụ ăn uống, phải đóng kín cửa tạo không gian cho muỗi chết và đi ra ngoài sau 30 phút người dân mới vào nhà. Nhưng cần nhấn mạnh, để diệt tận gốc nguồn bệnh truyền nhiễm thì ngoài phun hóa chất cần diệt loăng quăng/bọ gậy.

Tuy nhiên phun đêm thì rạng sáng trời mua, nhiều người cũng đặt câu hỏi, vừa phun hóa chất xong Hà Nội gặp trời mưa như trút, vậy có mang lại tác dụng? Đây là loại hóa chất được sử dụng để phun diệt muỗi trưởng thành ngay tức thì, chỉ sau 5 phút gặp hóa chất muỗi sẽ chết.

Còn loại phun trong nhà, gặp trời mưa không ảnh hưởng. Còn những hôm mưa chúng tôi ngừng phun.

Phun hóa chất phòng chống dịch sốt xuất huyết là phun không gian ở thể tích cực nhỏ với lượng hóa chất cực nhỏ dưới dạng phun sương nhưng có hiệu quả tối đa diệt được muỗi vằn trưởng thành nhiễm vi rút truyền bệnh sốt xuất huyết.

Thực tế việc phun muỗi đã mang lại hiệu quả. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Sốt rét – Kí sinh trùng trương ương đã kiểm tra, đánh giá cho thấy mật độ muỗi tại các gia đình sau phun hóa chất là 0. Tuy nhiên, các ổ loăng quăng vẫn còn ở một số hộ gia đình dù đã được đội xung kích kiểm tra, rà soát.

Hà Nội đã huy động 25 máy phun công suất lớn trên ô tô (22 tỉnh cho mượn 22 máy), 10 máy phun mù nóng, 180 máy phun đeo vai để phun hóa chất “hạ hỏa” dịch sốt xuất huyết.

Quá trình phun thuốc diệt muỗi có nhận được sự hợp tác của người dân không, thưa ông? Nhiều người bày tỏ khu vực họ có bệnh nhân sốt xuất huyết nhưng chưa được phun hóa chất?

Để thực hiện chiến dịch, trước thời điểm phun tại các khu vực sẽ báo trước để người dân chuẩn bị.

Tuy nhiên thực tế chúng tôi mới đạt được 90% hộ gia đình trong khu vực có chiến dịch được tiêm. 10% còn lại thì vì nhiều lý do như vắng nhà, không cộng tác vì trong nhà có trẻ em…

Ngược lại, cũng có những người phản ánh gia đình chưa được phun hóa chất phòng dịch. Theo quy định có ổ dịch sẽ phun hóa chất và hiện Hà Nội đang rất nỗ lực thực hiện các biện pháp ngăn chặn SXH. Phun diệt muỗi chỉ là một phần. Quan trọng nhất là về lâu dài, phải diệt loăng quăng, bọ gậy, không tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng.

Với những gia đình không hợp tác có bị xử phạt không, thưa ông? Có đảm bảo sau khi phun muỗi sẽ ngăn chặn được SXH không thưa ông?

Hiện chúng tôi vẫn dừng lại ở việc tuyên truyền, động viên người dân, rất mong người dân hợp tác trong chiến dịch ngăn chặn SXH này. Vì nếu không thực hiện triệt để, còn sót lại một nhà, hay chỉ phun bên ngoài, phun tầng 1 không cho phun lên tầng cao thì muỗi truyền bệnh vẫn còn và nó tiếp tục đẻ trứng, lây lan từ gia đình này sang gia đình khác.

Tuy nhiên, việc phun hóa chất diệt muỗi mới tiêu diệt được muỗi trưởng thành. Muỗi mới lại được nở ra nếu có các dụng cụ chứa nước đọng thuận lợi cho muỗi đẻ trứng. Vì thế để ngăn chặn SXH không chỉ dừng lại ở phun hóa chất diệt muỗi mà còn phải tiêu diệt loăng quăng, bọ gậy, không để chỗ cho muỗi đẻ trứng.

Chiến dịch diệt bọ gậy, loăng quăng sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Chiến dịch này được thực hiện song song với phun hóa chất diệt muỗi. Các quận, huyện cũng đã thành lập trên 26.000 đội xung kích diệt bọ gậy với hơn 63.000 người; hơn 4.600 tổ giám sát. Đợt 1 đã được thực hiện từ ngày 12 – 13. Hai đợt tiếp theo sẽ được thực hiện ngày 19 – 20 và 27 – 28 trên toàn thành phố.

Ông Hoàng Đức Hạnh, ông Nguyễn Nhật Cảm cùng đi kiểm tra ở hộ dân. Nước tồn đọng lâu ngày ở dưới gốc cây như thế này cũng là môi trường cho muỗi SXH đẻ trứng. Ảnh: SYT
Ông Hoàng Đức Hạnh, ông Nguyễn Nhật Cảm cùng đi kiểm tra ở hộ dân. Nước tồn đọng lâu ngày ở dưới gốc cây như thế này cũng là môi trường cho muỗi SXH đẻ trứng. Ảnh: SYT

Trong hai ngày ra quân đầu tiên của các đội xung kích diệt bọ gậy, đã có gần 200 nghìn dụng cụ chứa nước có bọ gậy được phát hiện tại hơn 567 nghìn hộ gia đình. Điều này cho thấy, cứ 3 gia đình được kiểm tra thì có hơn 1 gia đình có ổ chứa giúp muỗi truyền sốt xuất huyết đẻ trứng.

Đây là nhiệm vụ trọng tâm vô cùng quan trọng vì dịch SXH không thể dập hoàn toàn nếu vẫn tồn tại ổ lăng quăng trong các hộ dân. Chỉ còn một ổ loăng quăng trong gia đình, muỗi lại có nguy cơ bùng phát.

Chúng tôi kêu gọi người dân cùng chủ động diệt muỗi, loăng quăng bọ gậy. Mỗi gia đình cần chủ động dọn dẹp, không để các vật dụng chứa nước khiến muỗi có môi trường đẻ trứng mới ngăn được SXH.

Bởi muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng trong dụng cụ ở chính trong nhà, các đồ phế thải chứa nước khác nhau. Nếu như có dụng cụ chứa nước có nước mưa mới thì muỗi sẽ đẻ trứng và trong thời gian hơn một tuần, khoảng chu kỳ 8,5 ngày nó sẽ thành muỗi mới. Cán bộ y tế hay cộng tác viên không thể hàng ngày, hàng tuần đi lật úp các dụng cụ chứa nước cho từng hộ dân được. Chính vì vậy, tự người dân diệt muỗi, loăng quăng/bọ gậy tại chính gia đình mới có thể dập được dịch sốt xuất huyết.

Hồng Hải